Thời sự

FDI vào Việt Nam nửa đầu 2023 thấp nhất trong 7 năm nhưng vốn giải ngân đã tăng trở lại

Báo Đầu tư dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.     

Tuy vốn giải ngân tăng nhưng vốn đăng ký vẫn đang trong xu hướng giảm. Tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%. Vẫn giảm nhưng mức giảm đã thấp hơn so với các tháng trước. 5 tháng, mức giảm là 7,3%.

Thống kê cho thấy, tổng vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 thấp nhất kể từ 2017.

 

Trong tổng vốn đăng ký, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, có 1.293 dự án mới được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 71,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD (giảm 57,1% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, còn có 1.594 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4 tỷ USD, tuy giảm 6,6% về số lượng nhưng tăng 76,8% về vốn so với cùng kỳ.

Nhận xét về những con số này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 5 tháng đầu năm. Nếu như 6 tháng, vốn đầu tư mới tăng 31,3% so với cùng kỳ, thì 5 tháng mức tăng chỉ là 27,8% và 4 tháng, mức tăng là 11,1%.

Cùng với đó, số lượng dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ so với 5 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ. Việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, nên đã đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 70,4% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 2,5% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai.    

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ (giảm 57,1%) do trong 6 tháng qua không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn. Tuy nhiên, mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.

“Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 29,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 22,8% trong 5 tháng, 19,5% trong 4 tháng, 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm. Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, do vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) dự báo  vốn FDI thực hiện sẽ khoảng 19 - 21 tỷ USD  năm 2023, thấp hơn mức 22,4 tỷ USD của năm ngoái. Các chuyên gia tại đây kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục là động lực cấu trúc cho nền kinh tế trong dài hạn do vị trí của Việt Nam là điểm đến ưa thích để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tư gia tăng sẽ tạo điều kiện phát triển sâu hơn các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng kết nối và vị thế của Việt Nam như một trung tâm thương mại và sản xuất.

Ngoài ra, theo MBKE, động lực để các công ty đa quốc gia toàn cầu mở rộng sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã tăng lên, trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc ngày càng tăng, các vấn đề như căng địa chính trị Mỹ-Trung và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tồn tại.   

 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm