Theo thống kê của Chứng khoán SSI, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2022 vừa qua là hơn 5 triệu tỷ đồng, tương đương với mức bình quân mỗi phiên 20.155 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài là 7,4%, ứng với 2.998 tỷ đồng/phiên.
Cụ thể, khối ngoại đã mua 387.940 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM trong năm qua, đồng thời bán ra 358.678 tỷ đồng. Như vậy, giá trị mua ròng là 29.262 tỷ đồng, trái ngược với động thái bán ròng gần 62.400 tỷ đồng trong năm 2021.
Hoạt động mua ròng của khối ngoại năm 2022 diễn ra mạnh mẽ nhất trong tháng 11 và 12, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn gom thêm cổ phiếu trong các tháng 4, 5, 6 và 8.
Sau khi bị xả gần 19.000 tỷ đồng trong năm 2021, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục bị bán ròng gần 4.200 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy vậy, HPG đã tụt xuống vị trí thứ hai để nhường lại ngôi quán quân cho cổ phiếu EIB của Eximbank.
2022 là một năm đầy khó khăn với Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung do chi phí nguyên vật liệu (đặc biệt là than cốc) tăng mạnh, tỷ giá và lãi suất diễn biến bất lợi, giá bán liên tục suy giảm, nhu cầu tiêu thụ yếu.
Trong quý III, Hòa Phát báo lỗ 1.786 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử tập đoàn, cũng là quý đầu tiên Hòa Phát báo lỗ kể từ năm 2008. Do hàng tồn kho lớn, tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long đã phải tạm dừng hoạt động 4 lò cao trong hai tháng cuối năm 2022.
Ngoài Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp thép khác cũng báo lỗ kỷ lục trong quý III như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Pomina, VNSteel.
Tuy nhiên, khối ngoại không xả liên tục trong suốt cả năm mà đã mua ròng HPG trong hai tháng 11 và 12 với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, chứng tỏ một số nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy định giá của cổ phiếu thép này đang ở mức hấp dẫn.
Ngoài HPG, một số cổ phiếu khác cũng có tên trong top 10 bán ròng của khối ngoại hai năm liên tiếp là VIC của Tập đoàn Vingroup và MSN của Tập đoàn Masan.
EIB không có tên trong top 10 bán ròng của khối ngoại năm 2021, nhưng đến năm 2022 cổ phiếu ngân hàng này đã leo lên ngôi đầu trong bối cảnh cơ cấu cổ đông và nhân sự của Eximbank cùng có thay đổi lớn.
Đầu tháng 10, nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đã bán toàn bộ hơn 117 triệu cổ phiếu EIB, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,6% xuống 0%. Hai thành viên HĐQT có liên quan tới Tập đoàn Thành Công là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại cũng đã có đơn từ nhiệm khỏi ban lãnh đạo Eximbank vì lý do cá nhân.
Eximbank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11 để chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào tháng 1/2023 để bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Ngoài EIB, trong top 10 bán ròng năm vừa qua còn một cổ phiếu ngân hàng khác là SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương.
Nhiều đại diện của ngành bất động sản cũng có mặt trong top 10 như NVL của Novaland, CII của Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, HPX của Đầu tư Hải Phát.
HPX và NVL cũng lần lượt là những cổ phiếu giảm mạnh thứ 3 và thứ 4 sàn HOSE trong năm vừa qua với tỷ lệ lao dốc tương ứng là 86,2% và 84,6%.
NVL liên tục sa sút trong tháng 11 và 12 với nhiều phiên giảm sàn đã dẫn tới việc cổ đông lớn là Novagroup bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu. Gia đình ban lãnh đạo Novaland và Hải Phát cũng nhiều lần bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua vào cổ phiếu STB của Sacombank, đây cũng là mã chứng khoán duy nhất được khối ngoại gom trên 4.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Trước đó vào năm 2021, khối ngoại đã mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng STB, nhiều chỉ sau VHM của Vinhomes. Trong năm nay, VHM tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài gom hơn 2.200 tỷ đồng, xếp thứ 6.
CTG của VietinBank và VNM của Vinamilk chuyển từ trạng thái bị bán ròng trong năm 2021 sang được gom thêm hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2022.