Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt 4 hoặc 5 bậc vẫn theo xu hướng người dùng nhiều điện thì phải trả thêm tiền, có sự quan tâm đến các hộ gia đình nghèo. Như vậy, mỗi phương án đều có những ưu điểm. Tuy nhiên, tôi có một số câu hỏi và rất mong nhận được sự trả lời của ngành điện trước công luận.
Chủ trương của Việt Nam hướng đến năng lượng sạch đã rõ ràng. Ảnh: Quốc Tuấn
Thứ nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh nếu trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỉ đồng và lỗ sau thuế là 16.586 tỉ đồng.
Vậy, chi tiết việc thua lỗ này là gì? Nguyên nhân là do thuỷ điện ít, chưa đưa năng lượng tái tạo vào, hay lý do các chi phí nội bộ hao hụt chưa được quản lý chặt chẽ… EVN phải giải thích chi tiết việc thua lỗ 12.767 tỉ đồng này.
Thứ hai, dư luận đặt ra câu hỏi việc tăng giá điện để giải quyết vấn đề gì? Trong khi, năm 2022 nước tương đối khá đối với thuỷ điện, năng lượng tái tạo phát triển nhanh và đang yêu cầu được đóng điện.
Đặc biệt, thời điểm này nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cùng với việc chúng ta đang phấn đấu giữ được CPI ở mức 4%.
Ở khía cạnh khác, ngành điện hiện nay vẫn đang giữ thế độc quyền và chưa phân tách được các khâu, từ sản xuất, phân phối, truyền tải cho đến bán lẻ.
Thứ ba, thời gian qua những “động thái” của EVN đã được dư luận cũng ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao dừng việc cho giá đối với năng lượng tái tạo đã được phép xây dựng để đi vào hoạt động.
Đơn cử, trường hợp của Trung Nam đến nay đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị quan tâm, có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của Dự án điện mặt trời điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW.
Giả thiết, nếu chúng ta phát huy được năng lượng tái tạo, tận dụng thuỷ điện, cân đối giữa thuỷ điện và năng lượng tái tạo, giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm thì liệu “bài toán” phải đi mua điện của Lào có đặt ra hay không? Trong khi giá mua điện có thể cao hơn năng lượng tái tạo, giá thành sản xuất điện than cao hơn năng lượng tái tạo?
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ảnh: Quốc Tuấn
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Như vậy, chủ trương của Việt Nam hướng đến năng lượng sạch đã rõ ràng.
Do đó, tôi đề nghị ngành điện phải xem lại liệu có đi ngược lại chiến lược chung về COP 26 và vấn đề phát triển doanh nghiệp trong nước.
Thứ tư, phải chăng ngành điện vẫn giữ tư duy độc quyền, cho nên không có các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam cùng tham gia một số công đoạn của ngành điện, như sản xuất, phân phối, bán lẻ.
Hoặc với các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù có thể chỉ tham gia với tỉ trọng “khiêm tốn” nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong ngành điện.
Tăng giá không ai có ý kiến, nhưng phải minh bạch, hợp lý, có tăng có giảm. Còn cứ kêu lỗ xong là lập tức đề xuất tăng giá là rất khó chấp nhận.
Người tiêu dùng không phải không chấp nhận tăng giá, nhưng phải chi tiết về giá thành của ngành điện. Vấn đề này hiện nay còn đang “lùng bùng”. Chúng tôi là chuyên gia nhưng không được biết các chi tiết đó, không biết công bố ở đâu thì chúng tôi không rõ.
Hoặc nếu có công bố thì cũng chỉ là những con số tóm tắt rất gọn, chưa mổ xẻ để tìm ra vấn đề. Câu chuyện về giá điện sẽ vẫn còn rất nhiều ý kiến phản biện từ dư luận và giới chuyên gia.