Theo đề xuất mới nhất về gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga, Uỷ ban châu Âu muốn cấm các cảng Liên minh châu Âu bán lại Khí đốt tự nhiên hoá lỏng của Nga, đồng thời ban hành những hạn chế đối với 3 dự án Khí đốt tự nhiên sắp tới của Nga. Cũng giống như những lần trừng phạt trước đó, Liên minh châu Âu muốn ngăn chặn hoạt động kinh doanh sinh lời của Nga.
Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những trung tâm lớn nhất về khí siêu lạnh, phần lớn sau đó được xuất khẩu sang các nước trong đó có Đức và Italy. Về mặt lý thuyết, việc ngăn chặn việc bán lại LNG của Nga cho EU sẽ buộc Nga phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại . Đây sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Bởi, nếu không có các cảng châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng được trang bị đặc biệt để cắt băng ở Biển Bắc Cực- nơi đang thiếu nguồn cung, để đưa khí đốt đến châu Á. Một sự thay đổi có thể khiến doanh thu từ Khí đốt tự nhiên hoá lỏng của Nga sụt giảm 2 tỷ euro. Đây là một số tiền rất lớn, nhưng chỉ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/4 trong tổng số 8 tỷ euro lợi nhuận hàng năm của Nga từ Khí đốt tự nhiên hoá lỏng.
Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với các dự án LNG của Nga phần nhiều mang tính hình thức, bởi không dự án nào trong số này là đến châu Âu. Bên cạnh đó, các đề xuất của EU cũng phức tạp về mặt pháp lý và những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp, tất cả đều có hợp đồng dài hạn liên quan đến Dự án Yamal LNG của Nga. Hiện không rõ liệu các biện pháp trừng phạt của EU có cho phép các công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách an toàn mà không phải đối mặt với các hình phạt hoặc hành động pháp lý từ các đối tác Nga hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov đã chỉ trích đây là hành vi cạnh tranh không công bằng và bất hợp pháp: “Các nỗ lực đẩy Nga ra khỏi thị trường năng lượng vẫn đang tiếp tục. Việc chuyển sang các thị trường đắt tiền hơn chủ yếu có lợi cho Mỹ và một số quốc gia khác. Đối với người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực công nghiệp của châu Âu, điều này sẽ đồng nghĩa với việc giá khí đốt đắt hơn. Tất nhiên, trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh và các hành động bất hợp pháp như thế này”.
Theo báo cáo của Global Witness, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã sụt giảm kể từ khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 bị sự cố, nhưng lượng nhập khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng của Nga vào EU đã tăng 40% kể từ khi xung đột ở Ucraina nổ ra và hiện đang ở mức kỷ lục. Đây cũng là lý do mà x đến nay, Ủy ban châu Âu vẫn do dự trong việc trừng phạt lĩnh vực Khí đốt tự nhiên hoá lỏng của Nga bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltics và Ba Lan.