Tài chính

ETF Diamond thu hút mạnh dòng tiền, đâu là những "viên kim cương" sáng nhất VNIndex?

Trong báo cáo cập nhập dòng vốn toàn cầu tháng 5/2022 công bố mới đây, SSI cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu và giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn về đầu tư dài hạn đã kích hoạt dòng tiền từ khối ngoại.

Theo đó, nhiều quỹ ETF bơm ròng trong tháng, trong đó đáng chú ý nhất là DCVFM VNDiamond và Fubon với giá trị lần lượt là 3.010 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội khác như DCVFM VN30 và SSIAM VNFINLead cũng ghi nhận mức bơm ròng khá, lần lượt là 72 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Các quỹ ETF ngoại khác bắt đầu có diễn biến tích cực hơn, như quỹ FTSE Vietnam đảo chiều bơm ròng trong nửa cuối tháng.

Nhìn chung, tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm quá khứ (chỉ sau giá trị 13.100 tỷ đồng trong năm 2021). Lực mua chủ yếu trong 5 tháng đầu năm vẫn từ Quỹ Fubon và DCVFM VNDiamond.

Với sự nhập cuộc mạnh mẽ của DCVFM VNDiamond và Fubon, nhóm NĐT nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 5, với tổng giá trị là 3.489 tỷ đồng. Tính chung cho 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng gần 1 nghìn tỷ đồng. SSI quan sát thấy khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân ở các nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ, tuy có sự cải thiện đáng kể về tỷ trọng năm 2022 tăng lên khoảng 7%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước dịch Covid-19 khoảng 15%.

Thống kê giao dịch quỹ ngoại tuần 30/5-3/6 của Chứng khoán KIS tiếp tục cho thấy, trong tuần trước, hoạt động mua ròng tăng mạnh. Giá trị mua ròng ghi nhận ở mức 2.130 tỷ đồng với sự dẫn dắt của nhóm tài chính ngân hàng.

Đối với ETF, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì ở mức cao tại Việt Nam, ghi nhận ở mức 85 triệu USD tương đương với gần 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, dòng vốn tích cực tiếp tục được dẩn dắt bởi lực cầu trên VFMVN Diamond, ghi nhận ở mức 71 triệu USD. Ngoài ra, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì ở mức ổn định trên Fubon FTSE Vietnam.

Sự tham gia mạnh mẽ của dòng vốn từ quỹ hoán đổi danh mục ETF đã giúp thị trường ghi nhận diễn biến khả quan trong giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Trong đó, các cổ phiếu kín room ngoại, điển hình như nhóm ngân hàng và bán lẻ luôn là thỏi nam châm hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại luôn sẵn sàng mua toàn bộ cổ phiếu mỗi khi các mã chứng khoán này hở room, thậm chí là mua thỏa thuận với giá cao hơn đến 40-50% giá trên sàn.

Thực tế HoSE đã sớm xây dựng bộ chỉ số VN Diamond Index từ cuối năm 2019 - làm cơ sở hoạt động cho một quỹ đầu tư ngoại là DCVFM VNDiamond ETF (Mã: FUEVFVND). Trong đó, bao gồm rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã gần kín room ngoại - điều mà nhà đầu tư nước ngoài rất khó mua trực tiếp như MBB, MSB, TCB, VPB, TPB, OCB, VIB,...

Không chỉ khối ngoại, khối tự doanh cũng giao dịch sôi động trong những tuần gần đây. Trong đó, nhóm này mua ròng rất mạnh tại các cổ phiếu ngành bán lẻ. Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng với những mã được tự doanh ồ ạt mua gồm ACB, TCB, VPB, TPB, MBB, MSB, VIB.

Theo giới phân tích, việc VND mạnh lên so với nhiều nước như Thái Lan, Đài Loan cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này. Tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF có lẽ là lựa chọn không tồi trong ngắn hạn.

Do đó, Chứng khoán Rồng Việt nhận định về chiến lược tháng 6 là cơ hội tích lũy các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục ETF vẫn có thể xảy ra trong tháng này. Ngoài ra, đây cũng là những cổ phiếu được hỗ trợ bởi triển vọng tích cực của KQKD quý 2 và cả năm, giúp giảm thiểu rủi ro giảm giá. khi quỹ này được rút ra.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital mới đây cũng thông báo đã được cấp chứng chỉ chào bán chứng chỉ quỹ DCVFM VNMIDCAP ETF ra công chúng, mô phỏng biến động của chỉ số VNMIDCAP (VN70). Sự ra đời của quỹ này có thể là bệ phóng tiềm năng cho các cổ phiếu dẫn đầu về vốn hóa trong chỉ số VN70 sau khi thu hút thành công trong thời gian tới.

Trong rổ VNMIDCAP, ngành ngân hàng dự kiến có tỷ trọng lớn nhất với 31,8%, tiếp theo là bất động sản (15,2%) và nguyên vật liệu (16,1%). Những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong DCVFM VNMIDCAP ETF là SSB, MSB, VND, VIB, DGC,…

VIB dự kiến sẽ là tên sáng giá, với vốn hoá đứng trong top 30 thị trường, dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VNMIDCAP nếu chưa vào VN30 trong dịp cơ cấu này.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm