Nhắc đến Bill Gates, ai cũng biết ông nguồn cảm hứng và hình mẫu cho nhiều người trên khắp thế giới học tập từ kinh doanh cho tới dạy con. Mặc dù, vị tỷ phú này không hướng dẫn cụ thể các bậc phụ huynh cách nuôi dạy con nhưng từ tấm gương của ông, nhiều người có thể học hỏi, áp dụng với con mình.
Mặc dù là người cha cực kỳ giàu có nhưng Bill Gates cũng đặt ra quy tắc này với con mình khi đề cập tới vật chất. Cụ thế, hai con lớn của Bill Gates phải đợi đến sinh nhật 13 tuổi mới được mua điện thoại, con gái út của ông thì phải đợi thêm một năm nữa mới được đáp ứng yêu cầu này. Tỷ phú người Mỹ từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn là gia đình ông thống nhất độ tuổi 13 trở lên mới thích hợp dùng điện thoại.
Đấy là tỷ phú ở Mỹ, thế còn ở Việt Nam thì sao? Cũng giống Bill Gates, hiếm khi các doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ về cách dạy con mà thường người ta sẽ tìm ra được quan điểm của họ thông qua những chia sẻ hiếm hoi từ người trong cuộc.
Shark Đặng Hồng Anh từng được hỏi liệu cha ông - doanh nhân Đặng Văn Thành (Nhà sáng lập tập đoàn Thành Thành Công) có phải là người ảnh hưởng nhiều nhất trên con đường kinh doanh của anh.
Shark Hồng Anh cho biết ông Đặng Văn Thành cũng chính là thần tượng của anh. Ngay từ khi 14-15 tuổi, đang còn mê chơi thể thao nhưng các mùa đại hội cổ đông của Sacombank là ông Thành đều bắt shark Hồng Anh phải về dự.
Những buổi dự họp này giúp Đặng Hồng Anh quan sát cách ba điều hành đại hội, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hay cách đặt mục tiêu. Những điều này về sau giúp ích rất lớn cho anh.
Tất nhiên, cậu bé học cấp 2 ngồi xem cách điều hành đại hội cổ đông là điều hiếm thấy. Một phần lý do khiên anh tham gia bởi thần tượng ba, nghe lời mẹ nên chịu khó học tập cách kinh doanh.
“Tôi cũng thích ngồi nghe ba tôi nói về chuyện thương trường, cách đối nhân xử thế. Rất nhiều bài học thực tế từng chút một ba tôi hướng dẫn, đưa tôi tiếp cận và trải nghiệm”, vị doanh nhân chia sẻ trên tờ Zing cách đây không lâu.
Cách dạy con từ thực tiễn của gia đình ông Đặng Văn Thành cũng khá giống với quan điểm của nhà sáng lập công ty nhựa Long Thành. Hồi đầu năm 2021, doanh nhân trẻ Phạm Trần Nhật Minh từng chia sẻ về tuổi thơ gắn liền với những chuyến kinh doanh của ba anh.
Anh cho biết, ông thường dặn mình rằng “Con hãy nhìn những gì ba và người xung quanh làm, con sẽ tiếp thu được những kiến thức có lợi cho sau này”.
Con đường kinh doanh của thiếu gia nhựa Long Thành bắt đầu từ việc học cầm muỗng, cầm nĩa. Khi đó anh chỉ mới 12 tuổi, lần đầu tiên cùng ba đi tiếp khách và bước vào một nhà hàng 5 sao, trên bàn ăn có đủ loại dụng cụ ăn uống.
Doanh nhân trẻ này cũng cho biết thêm rằng gia đình mình thường có những chuyến công tác dài ngày. Năm 15-16 tuổi, lần đầu tiên anh tới Đức trong 5-7 ngày, di chuyển bằng đủ loại phương tiện, máy bay, rồi transit, xe lửa, taxi...
Không những di chuyển nhiều, đồ ăn không hợp khẩu vị mà điều làm anh mệt mỏi hơn nữa là việc nghe tiếng Anh khi trình độ chưa được tốt. Anh cho biết mình phải ngồi yên hàng tiếng đồng hồ và không hiểu mình có vai trò gì trong cuộc nói chuyện giữa ba và đối tác. Những chuyến đi căng não này giúp anh quen với áp lực và nhận ra mình phải vượt lên giới hạn của bản thân trước khi đảm đương trách nhiệm trong công ty.
“Trước kia, tôi cảm thấy như bị ép buộc. Mãi đến khi học đại học, tôi mới nhận ra những kiến thức học được từ nhỏ thật sự quý giá”, anh cho biết.
Không nuông chiều hay thể hiện tình cảm, cách những doanh nhân thành công tại Việt Nam dạy con qua thực tế có phần tương đồng với triết lý của người Do Thái. Tác giả nổi tiếng Sara Imas từng chỉ ra 2 chìa khóa quan trọng trong việc dạy con của người Do Thái bao gồm:
Chìa khóa số 1: Rèn luyện ý chí của trẻ
Sara Imas nhận thấy, nếu như cha mẹ biết cách trì hoãn đáp ứng nhu cầu của con thì có thể rèn luyện cho trẻ khả năng chịu khổ, tự kiềm chế và tự tạo ra, giúp con ngày càng trưởng thành và kiên cường hơn.
Tác giả Sara đưa ra ví dụ về một thử nghiệm tâm lý: Phát cho 1 nhóm học sinh tiểu học mỗi bé một cái kẹo và nói rằng, chúng được phép ăn bất cứ lúc nào nhưng nếu như ai có thể để dành được đến sau khi tan học mới ăn thì sẽ được thưởng thêm một cái nữa.
Tất nhiên đến cuối sẽ có những bé không nhịn được ăn hết kẹo luôn và một số bé kiềm chế được sự mê hoặc của kẹo.
Thử nghiệm này được theo dõi đến tận khi những đứa trẻ đó lên đại học, kết quả cho thấy, những bé mà năm xưa có thể nhẫn nhịn được, khi lớn lên thành tích học tập rất xuất sắc, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn.
Chìa khóa số 2: Rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề
Trẻ em Do Thái khi đủ 18 tuổi thường có thể sống tự lập được, điều này có được là nhờ bố mẹ chúng áp dụng cách "giáo dục không hoàn toàn". Tức là trong vấn đề giáo dục con cái, họ sẵn sàng chỉ làm người cha/mẹ đạt 80 điểm thôi và cố ý để lại một số vấn đề để con mình tự đối diện và giải quyết.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Sara đã đề cập đến một nguyên tắc gọi là "giáo dục chậm". Theo đó, cha mẹ người Do Thái cho rằng, nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng giống như việc trồng hoa, cần kiên nhẫn chờ hoa nở.
"Giáo dục chậm" không có nghĩa chậm về thời gian mà là chỉ sự nhẫn nại trong tâm thế của người làm cha mẹ, không được đưa ra phán xét khi mới chỉ nhìn vào biểu hiện nhất thời của trẻ.
Về mặt hành động, không được thay con giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào, phải để cho con có cơ hội tự làm, tự giải quyết. Bố mẹ không được lấy lý do vì yêu vì thương con mà kiểm soát, quản thúc con theo ý mình.