Ngày 14/4, Musk đưa ra "đề nghị tốt nhất và cuối cùng" để mua lại mạng xã hội Twitter, trong đó dự kiến trả 54,2 USD cho mỗi cổ phiếu. Để hoàn thành thương vụ này, ông có thể chi đến 43 tỷ USD.
Những ngày qua, tỷ phú Mỹ liên tục nhấn mạnh mục tiêu của ông là thúc đẩy quyền tự do ngôn luận trên Twitter, "mở khóa tiềm năng phi thường" của mạng xã hội. Tuy niên, có ý kiến cho rằng tỷ phú Mỹ chỉ muốn thu hút sự chú ý vào bản thân, dù lời đề nghị có được thực hiện hay không.
Theo CNN, ban lãnh đạo, cổ đông, nhân viên Twitter và người dùng cũng đang có những câu hỏi chưa được giải về hành động của Musk gần đây. Trước đó 10 ngày, tỷ phú Mỹ hé lộ ông đã trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, nhận vị trí trong ban lãnh đạo, nhưng rồi lập tức từ bỏ, đồng thời đăng các dòng trạng thái cho rằng mạng xã hội này đang chết dần.
Jenna Golden, thành viên nhóm lãnh đạo Twitter giai đoạn 2012-2017, cho rằng nhiều nhân viên lâu năm đang cố giữ bình tĩnh và tin tưởng lãnh đạo công ty sẽ giải quyết được những bất ổn từ các tuyên bố từ Musk, nhưng thái độ thay đổi liên tục của Musk khiến họ khó lòng tập trung cho công việc.
"Sẽ có những phiền nhiễu trong thời gian sắp tới", CEO Twitter Parag Agrawal nêu trong bản ghi nhớ hôm 10/4.
Twitter được cho là đang xem xét hàng loạt phương án, một trong số đó là áp dụng chiến thuật phòng thủ "viên thuốc độc" nhằm đối phó nguy cơ bị thâu tóm. Theo đó, họ sẽ cho phép các cổ đông mua lại cổ phần với giá rẻ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Musk, buộc ông ngồi vào bàn đàm phán.
Dù là tỷ phú giàu nhất thế giới, Elon Musk cũng khó gom đủ tiền mặt cho thỏa thuận trị giá 43 tỷ USD. "Tôi không chắc mình có khả năng mua lại Twitter", ông thừa nhận trong hội thảo TED tại New York hôm 14/4.
Kế hoạch của Musk với Twitter
Tỷ phú Mỹ nói đề xuất mua lại Twitter là cách để bảo vệ nền văn minh hiện nay chứ không phải để kiếm tiền. Ông có kế hoạch biến thuật toán của Twitter thành mã nguồn mở và tăng tính minh bạch với người dùng. Ông cũng muốn có chính sách quản lý nội dung mềm mỏng hơn, hạn chế những lệnh cấm sử dụng vô thời hạn và chuyển sang có thời hạn ngắn.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Musk thực ra không nghiêm túc trong việc thâu tóm mạng xã hội. Đề xuất được đưa ra có thể chỉ là cách đánh bóng tên tuổi trên nền tảng mạng xã hội ông yêu thích. Ông từ lâu đã dùng Twitter để xây dựng thương hiệu và tương tác với hơn 80 triệu người theo dõi, cũng như chọc tức những người chỉ trích.
"Đây là nỗ lực thu hút chú ý của Musk. Ông ấy đề xuất mua Twitter vì đó là nơi ông ấy nổi tiếng nhất", David Trainer, CEO công ty nghiên cứu New Constructs, nhận xét.
Musk sẽ làm gì tiếp theo
Musk cảnh báo sẽ "xem xét lại vị thế cổ đông" nếu ban lãnh đạo Twitter từ chối đề xuất, động thái có thể khiến cổ phiếu Twitter lao dốc. Ông cũng ám chỉ khả năng gây khó dễ cho ban lãnh đạo công ty nếu họ tìm cách chống trả.
Ông từng đặt câu hỏi trên Twitter rằng liệu người dùng có cần một mạng xã hội mới hay không, đồng thời cho biết ông có thể kêu gọi vốn để xây dựng nền tảng cạnh tranh với Twitter nếu không mua lại được công ty.
Nếu mua lại Twitter, Musk có thể thay đổi mọi thứ từ chính sách vận hành đến văn hóa doanh nghiệp. "Ông ấy là người cực kỳ khó đoán, dẫn tới nhiều nghi ngại và lo lắng trong nội bộ công ty. Văn hóa Twitter gắn liền với sự thân thiện, những điều này có thể bị đặt dấu hỏi nếu người như Musk điều hành", Golden nhận xét.
(theo CNN)