Họp "nóng" về xăng dầu
Theo thông tin của Tiền Phong, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng 12/10.
Hôm 7/10, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá về tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu những ngày qua, trong đó cho biết nguyên nhân do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Cơ quan này đã có chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu) trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Thẩm định kết quả 3 đoàn thanh tra doanh nghiệp xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có quyết định thành lập hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Theo đó, hội đồng này sẽ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của ba đoàn thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập theo các Quyết định số 188, 189 và 192 ngày 15/2/2022 liên quan tới việc thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật của 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp đầu mối trong danh sách thanh tra, có 16 doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ trước đó nêu đích danh đề nghị Bộ Công Thương cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và các hồ sơ có liên quan.
Theo quyết định này, Chủ tịch hội đồng là ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phó Chủ tịch hội đồng là ông Ngô Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Ngoài ra, có bảy thành viên hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường; Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước.
Quyết định nêu rõ: “Hội đồng thẩm định sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của các đoàn thanh tra, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật Bộ trưởng Bộ Công Thương về báo cáo kết quả thẩm định”.
Việc thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên đoàn thanh tra cho biết, việc lập hội đồng là thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Báo cáo kết quả thẩm định của hội đồng sẽ là một trong những tài liệu để bộ trưởng Bộ Công Thương tham khảo trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.
Dù các kết luận thanh tra của từng đoàn thanh tra chưa được công bố chính thức, nhưng trước đó Bộ Công Thương đã thông báo các quyết định xử phạt bằng hình thức tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với tổng cộng 12 doanh nghiệp đầu mối. Có 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại miền Trung bị tước giấy phép trong vòng từ 1-2 tháng, doanh nghiệp cuối cùng được được trả giấy phép vào ngày 14/9 sau khi đã hoàn thành việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm.
Tiếp đó, Bộ Công Thương đã ra quyết định tước thêm giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã phản ứng quyết liệt, gửi văn bản lên Thủ tướng phản ánh việc tước giấy phép quá nặng so với vi phạm và doanh nghiệp không phục. Do mức độ ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu nên sau đó Bộ Công Thương thông báo tạm dừng thi hành quyết định xử phạt, thu giấy phép của 5 doanh nghiệp nói trên.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vi phạm của các doanh nghiệp này chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu. Với 5 doanh nghiệp này, ngoài việc không được xuất, nhập khẩu xăng dầu, họ cũng không được mua xăng dầu ở trong nước, không được bán xăng dầu cho các đơn vị khác.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khẳng định, việc Bộ Công Thương thu giấy phép của 7 doanh nghiệp đầu mối mà không có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung thông qua việc giao chỉ tiêu gia tăng và biện pháp cung ứng bổ sung cho các đầu mối khác đã kéo theo tình trạng rối loạn nguồn cung kéo dài ở khu vực phía Nam.