* Phóng viên: Với vai trò là đầu mối trong triển khai dự án, trước tiên TP HCM sẽ thực hiện việc gì, thưa ông?
Ông LƯƠNG MINH PHÚC
- Ông LƯƠNG MINH PHÚC: TP HCM đã và đang tập trung vào nhiều nhóm việc chính. Trước tiên là chuẩn bị cơ sở pháp lý, hoàn thiện hồ sơ dự án, phối hợp với các địa phương để trình Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai dự án. Hiện kế hoạch phối hợp triển khai dự án đã được xây dựng, dự kiến trong tháng 7-2022, sẽ có nghị quyết cho đường Vành đai 3.
Tiếp đó, hoàn thiện việc tổ chức bộ máy điều hành của các địa phương, bộ máy này có ban chỉ đạo, tổ giúp việc, ban chỉ huy. TP HCM đã có ban quản lý cho dự án này, các tỉnh cũng đang hoàn thiện. Để sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhanh chóng, chính xác, mỗi đơn vị sẽ ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý. Khâu nào chậm trễ làm ảnh hưởng tiến độ, hệ thống sẽ tự động nhắc việc và thông tin cho ban chỉ đạo đôn đốc kịp thời.
Sau đó khẩn trương thực hiện các thủ tục về nguồn vốn, làm thủ tục chuyển nguồn vốn trung ương bố trí 17.146 tỉ đồng cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương để thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Đồng thời, cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Giai đoạn 2023-2024, nguồn vốn ngân sách TP HCM tham gia dự án là 13.326 tỉ đồng, thành phố có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn, huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bảo đảm nguồn vốn cho tiến độ thực hiện dự án.
Cuối cùng, chuẩn bị công tác đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án, hiện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và lãnh đạo các địa phương đang lên kế hoạch chi tiết để bắt tay thực hiện. Dự kiến quý IV/2022 sẽ có ranh mốc để triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC), cuối năm 2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng, bảo đảm khởi công dự án cuối năm 2023.
Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai Đồ họa: Phương Anh
* TP HCM tiếp nhận dự án với tâm thế như thế nào, thưa ông?
- Dự án đường Vành đai 3 mang ý nghĩa tích cực, được 4 địa phương và hàng triệu người dân kỳ vọng. TP HCM với vai trò là cơ quan đầu mối điều phối dự án trong quá trình triển khai, thành phố quyết tâm thể hiện tốt vai trò là đầu mối cùng các tỉnh chuẩn bị tốt nhất cho dự án. Tuần sau, lãnh đạo TP HCM sẽ chủ trì một cuộc họp cùng các tỉnh để có những kế hoạch cụ thể.
* Dự án có hơn 3.800 hộ bị ảnh hưởng từ việc giải phóng mặt bằng, để tạo sự đồng thuận cho người dân, TP HCM đã chuẩn bị kế hoạch ra sao?
- Đường Vành đai 3 là dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay với nguồn vốn 75.378 tỉ đồng, kéo theo là số hộ dân bị ảnh hưởng khi dự án đi qua là rất lớn.
Theo kết quả khảo sát, dự án có khoảng 3.863 hộ trong diện bồi thường, hỗ trợ TĐC, trong đó khoảng 1.476 hộ phải bố trí TĐC (TP HCM 741 hộ, tỉnh Đồng Nai 100 hộ, Bình Dương 515 hộ và Long An 120 hộ). Hiện các địa phương đã sơ bộ phương án tổ chức thực hiện công tác TĐC theo quy định như: chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí TĐC bảo đảm quyền lợi cho người dân. Riêng ở tỉnh Bình Dương, dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới. TP HCM dự kiến bố trí TĐC cho 228 trường hợp tại TP Thủ Đức, huyện Củ Chi 36 trường hợp, huyện Bình Chánh 452 trường hợp và huyện Hóc Môn 25 trường hợp. Hiện TP HCM đã chuẩn bị đủ số lượng nền, căn hộ bố trí TĐC cho người dân. Không chỉ giá bồi thường được tính toán kỹ lưỡng mà việc bố trí nền TĐC cũng trên quy tắc "chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ", bảo đảm sinh kế cho người dân khi nhường mặt bằng cho dự án đi qua.
* Ông nhận định gì về những chính sách, cơ chế đặc biệt cho dự án được Quốc hội (QH) thông qua?
- QH thông qua những cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án như hồ sơ dự án TP HCM trình, đã tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương bảo đảm nguồn vốn cân đối cho dự án, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Đơn cử, cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 17.146 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP HCM là 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai 856 tỉ đồng, Bình Dương 4.266 tỉ đồng, Long An 1.397 tỉ đồng. Tương tự, cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Hay về cơ chế, trong 2 năm từ khi nghị quyết được QH thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ TĐC...; cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án…
* Việc khai thác quỹ đất dọc 2 bên đường được người dân đặc biệt quan tâm, việc này sẽ triển khai ra sao, thưa ông?
- Hiện UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính xây dựng đề án khai thác quỹ đất 2 bên đường cho dự án này. Khi có đề án, sẽ thông tin rộng rãi cho người dân được rõ.
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai:
Đã chuẩn bị rất chu đáo
Tỉnh Đồng Nai đã sẵn sàng triển khai các bước liên quan dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn Đồng Nai. Đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 11 km nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, dự kiến thu hồi 65 ha, bố trí khoảng 200 suất TĐC. Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng xong khu TĐC Phú Đông có diện tích 30 ha, đang xây dựng khu TĐC Phước An diện tích 44 ha, dự kiến sẽ bố trí cho các hộ giải tỏa trắng vào 2 khu TĐC này.
Về giá đền bù, UBND huyện Nhơn Trạch đã tính toán giá đền bù trên cơ sở giá thực tế và tham khảo thêm giá một số dự án đang triển khai trên địa bàn như dự án thành phần 1A đường Vành đai 3, nên mức giá đền bù cho người dân cơ bản là phù hợp. Hiện tỉnh đang tiến hành các thủ tục thành lập Ban Quản lý dự án giao thông và Ban Giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 3 và các dự án giao thông khác. Về vốn, ngân sách tỉnh tham gia dự án dự kiến khoảng 1.934 tỉ đồng, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nghị quyết cam kết bố trí số vốn trên để đầu tư dự án. Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với phần tăng thêm theo đúng quy định.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An:
Thông qua nghị quyết bố trí vốn của dự án
Về công tác chuẩn bị, dự kiến việc giải phóng mặt bằng sẽ giao huyện Bến Lức làm chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư việc làm đường. Về nguồn vốn, đối với Long An thì trung ương 75%, còn lại là của địa phương.
HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí vốn của dự án. Trong số 25% vốn địa phương, giai đoạn đầu bố trí 81% (tương đương 1.852 tỉ đồng), còn 19% nằm trong giai đoạn 2026-2027 theo tiến độ trình QH. Về TĐC, đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng, huyện Bến Lức đã thống kê sơ bộ diện tích đất và số hộ dân cần TĐC khi giải phóng mặt bằng, dự kiến xây dựng một khu TĐC 100 ha. Sở Giao thông Vận tải đã chủ động phối hợp tư vấn, xác định tim tuyến của dự án và khảo sát quy hoạch để tránh trường hợp người dân xây dựng với tính chất đầu cơ trên dự án.
Nhóm phóng viên ghi
Áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt
Sáng 16-6, với đa số đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM (Vành đai 3); dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội (Vành đai 4) và 3 dự án đường bộ cao tốc (giai đoạn 1): Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo nghị quyết của QH, đường Vành đai 3 dài khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ, tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỉ đồng (bao gồm: 31.380 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 29.676 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó: TP HCM 19.449 tỉ đồng, tỉnh Đồng Nai 1.567 tỉ đồng, tỉnh Bình Dương 7.808 tỉ đồng) và tỉnh Long An 852 tỉ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỉ đồng bao gồm: 7.361 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 6.961 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó: TP HCM 4.562 tỉ đồng, tỉnh Đồng Nai 367 tỉ đồng, tỉnh Bình Dương 1.832 tỉ đồng và tỉnh Long An 200 tỉ đồng.
Việc triển khai, thực hiện dự án được QH cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. QH giao UBND TP HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian QH không họp, QH ủy quyền Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần với sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đầu tư đối tác công tư (PPP). Quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án cũng được áp dụng một số cơ chế đặc biệt.
V.Duẩn - M.Chiến