Như Thanh Niên đã thông tin, bờ biển Mũi Né từ đầu P.Phú Hài đến cuối P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết cũ, nay thuộc P.Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng) với chiều dài chỉ khoảng 7 km nhưng được coi là "hồn cốt" của Khu du lịch quốc gia Mũi Né với rất nhiều resort cao cấp, dày đặc ven mặt biển.
Thế nhưng, hiện nay, hiện tượng xâm thực biển ăn sâu vào bờ phá nát các bãi biển vốn là bãi tắm cho du khách và người dân địa phương. Có những vị trí nước biển lấn sâu vào phần đất của các resort hàng chục mét, giật sập những cây dừa già cỗi, thậm chí cuốn phăng cả các công trình phụ xây sát biển. Không chỉ thiệt hại tài sản cho các nhà đầu tư, hiện tượng xâm thực đang làm cho Mũi Né nhếch nhác. Đây chính là lý do khiến các chủ resort thi nhau làm kè cứng, kè mềm, cố giữ lấy bãi cát cho resort của mình.
Chị An Trần, phụ trách chăm sóc khách hàng của resort Ana, cho rằng thời gian qua rất nhiều du khách trả phòng sớm hơn, hoặc đến nơi thấy bãi biển không được đẹp như trong hình quảng cáo, họ không chỉ bỏ đi, mà còn để lại lời phàn nàn.

Kè mềm khắp nơi làm cho bãi biển Mũi Né “nhếch nhác” hơn bao giờ hết
ẢNH: QUẾ HÀ
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng các cơ quan quản lý, nhà khoa học cần khảo sát để đưa ra hướng xử lý đồng bộ, khoa học, nhằm giảm đến mức thấp nhất cho các nhà đầu tư du lịch, nhưng giữ được cảnh quan thiên nhiên là bờ cát trắng trải dài ven biển.
"Mũi Né bây giờ là cửa ngõ vươn ra biển lớn của tỉnh Lâm Đồng. Việc quy hoạch Mũi Né cũng phải mang tầm quốc gia, để không chỉ cho Lâm Đồng phát triển, mà còn kết nối cả vùng Tây nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong chiến lược thúc đẩy kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng", ông Trần Văn Bình chia sẻ.
Mạnh ai nấy làm sẽ càng thêm nhếch nhác !
Nói về Mũi Né hiện nay, nhiều bạn đọc (BĐ) than phiền vì không còn đẹp như trước. BĐ Trịnh Cường nhận xét: "Riêng tôi, nếu mục đích chính là đi tắm biển, dạo biển thì Mũi Né không bằng các bãi tắm khác. Nhiều người nói vui đến Mũi Né mà, nên phải "né". Theo tôi, phải coi bãi biển là quà tặng cho cả khu vực, cho mọi người, nên không thể để mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy làm, mà cần chung tay làm cho bãi biển đẹp lên".
Cùng ý kiến, BĐ Hai Minh viết: "Hồi đầu hè tôi cũng có dịp đi Mũi Né, thấy đúng là nhếch nhác và vắng vẻ. Hiện tại tôi thấy nếu đi biển mà thích đi gần thì người dân TP.HCM hay đi Vũng Tàu hoặc Hồ Tràm, thích đi xa thì họ bỏ qua Mũi Né mà đi tới Cà Ná hoặc Nha Trang. Vì sao? Vì biển nơi đây không còn được như trước. Mũi Né nay đã trở thành bãi biển của tỉnh Lâm Đồng mới, hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến để du khách không "né" nơi đây nữa". BĐ horizon.hthang cũng đánh giá: "Công nhận nó nhếch nhác kinh khủng. Rất cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc để cứu những bờ cát nơi đây". Còn BĐ T.Tran thì bất ngờ với con "quái vật", thốt lên: "Thì ra đó là kè mềm. Vậy mà trước giờ mình cứ tưởng ống xả nước thải...".
Mong Mũi Né ngày càng đẹp, hấp dẫn du khách
Mong muốn Mũi Né ngày càng đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, BĐ Hoang Hieu góp ý: "Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học có thể nghiên cứu vấn đề này, để tìm ra phương án tối ưu nhất xử lý triệt để tình trạng biển xâm thực, không riêng cho Mũi Né mà còn nhiều vùng biển khác, nhằm bảo tồn các bờ biển - nơi có cảnh đẹp và là những bãi tắm nổi tiếng cho ngành du lịch. Không thể làm kiểu manh mún, tản mạn như như đang làm, vừa không hiệu quả mà còn gây phản cảm cho du khách".
Cùng quan điểm, BĐ Nguyen AnhNghi cho rằng: "Thiên nhiên rất hiền hòa, tươi đẹp... Tuy nhiên cũng có lúc hung dữ, tàn phá... Do vậy, việc giữ gìn, đảm bảo an toàn cho các bờ biển quả thật không hề dễ dàng chút nào. Việc đảm bảo an toàn, phục hồi, phòng chống xói lở... cần phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu tầm quốc gia... thì mới mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài... Còn các cá nhân làm đơn lẻ thì chỉ mang tính chất chống đỡ thôi, như muối bỏ bể".
"Sao không đóng thẳng cừ bê tông xuống cát? Có nơi đã làm kiểu này: đóng 2 hàng rồi bỏ cục 2 chân vào giữa làm thành một bờ đê, như vậy mới không bị trôi đi mấy cục bê tông. Đầu tư hẳn một bờ đê kiểu gọng kìm bao bọc bờ biển cách xa bờ chừng 100 m, như vậy sẽ không mất cảnh quan", BĐ Trường Mai gợi ý.
Vừa mới cho cả nhà đi ra Mũi Né tắm, đúng là phải "né" thật!
Bạn Đọc Mới
Tỉnh Lâm Đồng mới nên làm bờ biển như ở Vũng Tàu thì đẹp và thu hút rất nhiều du khách. Bờ biển là của chung, không phải của riêng ai, cần chung sức làm.
Saigon Swat