Tôi đã từng làm một công việc ở nhà nước trong 15 năm. Đó cũng là 15 năm đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm công việc này. Và tôi nghĩ rằng đó sẽ là một khởi đầu hoàn hảo cho sự nghiệp của mình. Tôi đã thề rằng mình chỉ làm việc ở đây trong vòng một hoặc hai năm mà thôi. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, tôi đã hoàn toàn gạt bỏ ý định đó. Sau một thời gian, tôi cảm thấy rất thích làm việc ở nơi này. Và tôi cũng không còn quan tâm đến thời hạn 2 năm mà tôi đã đặt ra trước đó nữa.
Thế nhưng, quả thực trong cuộc sống không ai đoán trước được chữ ngờ. Vào một ngày đẹp trời, người quản lý của tôi bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn. Bất ngờ này đã làm thay đổi rất nhiều thứ và trong đó có cả tôi.
Ngay từ những ngày đầu tiên đi làm, sự tự do và quyền tự chủ chính là yếu tố thúc đẩy tôi làm việc và cống hiến. Sự thân thiện và cởi mở của mọi người ở đây đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi mỗi khi mệt mỏi. Tất nhiên trong nhóm, chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn và thử thách, nhưng chúng không hề ảnh hưởng đến lòng tin của tôi đối với quản lý của mình.
Nhưng đâu ai biết được, cũng chính người quản lý mà tôi tin tưởng đã "giết chết" lòng nhiệt huyết trong tôi. Cô ta đã xóa bỏ hết tất cả những gì mà chúng tôi đã cố gắng tạo ra, từ mối quan hệ, sự thân thiết và cả lòng tin.
Vào ngày cuối tháng 2, một chuyện vô cùng tồi tệ đã xảy ra. Vào ngày này hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành xét thi đua và đánh giá cho từng người một. Theo quy định thì mỗi người chúng tôi sẽ được quản lý phỏng vấn riêng và đánh giá ngay tại chỗ.
Tôi đã hy vọng sau ngày hôm đó, quản lý và tôi vẫn có thể trò chuyện với nhau một cách vui vẻ. Và tôi cũng từng nghĩ rằng ước gì chúng tôi có thể quay lại quá khứ và khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Cho đến tận bây giờ khi nhớ lại ngày hôm đó, tôi vẫn cảm thấy có chút sợ hãi. Và chính thế, tôi muốn chia sẻ một câu nói với người quản lý của mình với hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn: "Đừng bao giờ đẩy một người trung thành ra xa đến mức khiến họ không còn quan tâm đến bất cứ điều gì nữa.."
Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng đồng thời cũng cố gắng rất nhiều khi làm việc. Và một số đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Nhóm chúng tôi chỉ có 28 người. Trong đó bốn người đang bị kiệt sức do áp lực công việc, còn hầu hết những người còn lại đều tỏ ra thờ ơ với mọi chuyện. Bình thường mọi người rất nhiệt tình khi thảo luận về tình hình của chung nhóm. Nhưng khi nhắc đến sự thay đổi không mấy tích cực của người quản lý thì mọi người chẳng còn chút tinh thần nào. Họ chỉ nhún vai hoặc thở dài rồi nói: "Vấn đề là gì?". Vì vậy, tôi quyết định giải tỏa bầu không khí khó chịu này bằng cách đưa ra một số phản hồi trung thực và chia sẻ một số cách khắc phục việc này với mọi người.
Tiếp đến, để chuẩn bị cho buổi đánh giá, tôi đã diễn tập rất nhiều lần trong đầu và tưởng tượng những gì sẽ diễn ra khi bước vào văn phòng của quản lý. Và nếu trong đầu tôi, mọi thứ đều diễn ra rất tốt đẹp thì thực tế nó lại khác hoàn toàn. Ngay từ khi đặt chân vào văn phòng, linh cảm của tôi đã mách bảo cuộc trò chuyện của chúng tôi sẽ không mấy tốt đẹp. Và quả thật nó đã như vậy.
Khi vào phòng, tôi còn chưa kịp ngồi xuống thì người quản lý đã nói với tôi rằng tôi phải biết vị trí của mình ở đâu. Tôi chỉ cần làm tốt việc của mình là được còn những chuyện khác đừng có quan tâm đến. Đồng thời cô ta cũng nhắc nhở tôi đừng có cố tỏ ra mình là sếp trong khi tôi chẳng có chút quyền hành nào cả. Và tất nhiên câu trả lời: "Tôi chỉ đang làm đúng công việc của mình" không phải là câu trả lời mà cô ấy muốn nghe. Và thế là, một danh sách dài ghi chép các tội lỗi của các thành viên được đưa đến trước mặt tôi.
Lúc đó tôi có hơi bối rối nhưng ngay sau đó tôi bắt đầu tìm kiếm tên của mình. Sau khi đọc xong những "tội lỗi" của mình trong tờ danh sách đó, tôi phát hiện những gì tôi nói với mọi người ở buổi thảo luận nhóm hôm trước được quy vào tội không làm đúng chức trách của mình. Tôi đã giải thích với người quản lý rằng đó chỉ là cảm giác của tôi. Và tôi cũng hỏi liệu chúng tôi có thể nói thêm về vấn đề đó và tìm kiếm giải pháp cho nó hay không. Thế nhưng thay vì một lời động viên hay khuyến khích thì câu trả lời mà tôi nhận được là: "Sao bạn dám làm vậy?"
Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với cô ta với tư cách là một thành viên trong nhóm. Tôi đã rời văn phòng và không bao giờ quay trở lại. Lúc đó, công ty cũng cho rằng tôi là một kẻ lạc loài, một kẻ nổi loạn, một kẻ gây rối. Nhưng cũng chính họ đã từ chối đề xuất sa thải tôi. Họ quyết định chuyển tôi sang một đội khác. Vì vậy, tôi đã cố gắng tìm lại động lực và niềm đam mê của mình. Nhưng sau một năm rưỡi, tôi vẫn không thể tìm thấy bất cứ thứ gì khiến ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi có thể cháy mãnh liệt như trước được nữa. Ngược lại, tôi cảm thấy tôi đã mất mát quá nhiều. Tôi đã mất đi lòng nhiệt huyết, mất đi niềm say mê và hơn hết tôi đã đánh mất chính mình.
Mọi chuyện đều do người quản lý không có khả năng lãnh đạo tốt? Không hẳn là như vậy. Bởi vì bản thân người quản lý của tôi cũng đã từng bị mắc kẹt trong công việc giống như tôi. Có lẽ cô ta đã cố gắng hết sức vào thời điểm đó nhưng cô ta không hiểu được rằng những hành động khi ấy đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Vấn đề này thực chất liên quan đến sự đóng góp của nhân viên. Hay nói đúng hơn là thiếu sự đóng góp của nhân viên.
Nếu 4 năm trước, tôi đã rất tiếc nuối vì những gì đã xảy ra thì hôm nay, khi nghĩ đến những chuyện đã qua, tôi cũng không vui vẻ hơn khi đó là mấy. Thế nhưng, trải nghiệm đó cũng đã dạy cho tôi một bài học vô cùng quý giá. Đó là: Nếu các nhà tuyển dụng hay các quản lý cấp cao không quan tâm đến nhân viên thì đồng nghĩa với việc họ đang đẩy nhân viên của mình ra xa. Hay nói cách khác là họ đang đẩy những người trung thành ra xa đến mức khiến họ không còn quan tâm nữa đến bất cứ thứ gì nữa.