Trong khoảng thời gian đi làm, ắt hẳn ai cũng đã từng có một người sếp là nỗi ám ảnh mỗi khi làm việc hoặc đến công ty. Họ cũng trở thành nguyên nhân khiến chúng ta mất đi ham muốn làm việc và luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi điện thoại đổ chuông.
Nếu bạn là một người sếp, bạn phải nhận thức được điều này và tránh mắc phải những sai lầm sẽ khiến bạn mất đi sự tin tưởng và tôn trọng từ nhân viên. Dưới đây là những hình mẫu người sếp là nỗi ám ảnh của nhân viên mà bạn không nên mắc phải.
Người cầu toàn
Đối với kiểu sếp này, trong mắt họ chỉ có mình họ là đúng và tất cả những người khác đều làm sai. Ngay từ khi bắt đầu giao việc họ đã luôn chuẩn bị sẵn tinh thần để tìm và chỉ ra những lỗi sai của bạn. Hãy tưởng tượng rằng, mọi thứ được giao có thể được thực hiện theo cách của bạn nhưng rồi sẽ được chỉnh sửa hoàn toàn theo cách của sếp. Họ không có niềm tin vào nhân viên của mình và luôn giữ vững tâm lí rằng nếu họ không làm điều đó thì mọi việc sẽ không thể vận hành một cách trơn tru theo ý muốn.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp cầu toàn: Hãy tin tưởng vào nhân viên của bạn. Hãy chấp nhận rằng không có gì trong cuộc sống là hoàn hảo và không nhất thiết phải cầu toàn hóa mọi thứ như vậy. Cố gắng cởi mở với những ý tưởng mới và cách làm mới. Nếu bạn để nhân viên của mình được thực hiện công việc theo cách của họ, có thể bạn sẽ phải ngạc nhiên vì kết quả đạt được vượt ngoài mong đợi của bản thân.
Một người sếp như “người bạn”
Những người sếp này thường quan tâm đến việc tạo dựng tình bạn với cấp dưới đến mức họ đặt công việc và sự nghiêm túc sang một bên. Họ luôn muốn xóa bỏ khoảng cách cấp trên - cấp dưới và không phân biệt bản thân mình với nhân viên. Họ thường sẽ nói đùa và tám chuyện cùng nhân viên của mình mọi lúc có thể. Sự hòa hợp với nhân viên và được nhân viên yêu thích là điều quan trọng tới nỗi họ có thể sẵn sàng hy sinh năng suất và khả năng lãnh đạo của mình để thực hiện điều đó.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp giống như “người bạn”: Hiểu rằng bạn không phải là bạn bè với nhân viên. Có một mối quan hệ tốt với những người làm việc cùng là điều rất đáng để duy trì tuy nhiên đừng bao giờ vượt quá giới hạn. Đừng để họ đánh mất đi sự tôn trọng dành cho bạn. Thay vào đó hãy giành lấy sự ngưỡng mộ và tin tưởng của nhân viên bằng thái độ và hành động của bạn chứ không phải là những buổi tám chuyện và tiệc tùng vào mỗi cuối tuần.
Một người sếp “dông dài”
Kiểu sếp này nổi bật vì tính chuyên nói dông dài. Họ liên tục gọi các cuộc họp chỉ để thực hiện những cuộc nói chuyện không có mục đích. Hoặc khi đưa ra một phản hồi hoặc giải thích về một công việc nào đó, họ lại nói những điều mơ hồ và không cung cấp thông tin rõ ràng khiến nhân viên không nắm bắt được trọng điểm công việc để giải quyết.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp “dông dài”: Xác định những gì bạn muốn nói, mục tiêu bạn muốn thực hiện trước khi trao đổi hoặc tiến hành một cuộc họp với nhân viên. Hãy nhớ rằng, để nhân viên có thể làm tốt công việc của mình thì bạn phải rõ ràng và tránh lãng phí thời gian quý báu của cả hai bên.
Người sếp “bạo chúa”
Kiểu sếp này rất thích gây ra sự sợ hãi đối với nhân viên. Đối với họ, nhân viên giống như những người “đầy tớ” và phải làm hài lòng mình bằng mọi cách. Họ cảm thấy hạnh phúc khi khiến người khác sợ hãi và đôi khi còn cố tình làm bẽ mặt nhân viên ở nơi công cộng để thể hiện quyền lực của mình bằng việc la hét và mắng mỏ thậm tệ trước mặt nhiều người khác.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp “bạo chúa”: Hãy hiểu rằng sợ hãi không bao giờ bằng sự tôn trọng. Tạo ra sự sợ hãi đối với mọi người sẽ không giúp bạn đạt được mục đích gì ngoài việc nhận lấy sự tránh né của nhân viên và hiệu suất công việc cũng không như ý muốn. Nhân viên sẽ không bao giờ tiếp cận bạn và dẫn tới bạn sẽ luôn có cái nhìn sai lệch về doanh nghiệp của mình. Do đó, hãy bỏ lại cái tôi và hàn gắn lại mối quan hệ với nhân viên để tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh nhất có thể.
Người tham công tiếc việc
Nói chung kiểu sếp này là một người tham công tiếc việc và luôn muốn mọi người cũng giống như vậy. Họ không có khoảng thời gian dành riêng cho bản thân và nghĩ rằng những người khác cũng thế. Do đó, họ không ngần ngại gọi điện cho nhân viên vào cuối tuần hoặc yêu cầu nhân viên ở lại văn phòng muộn để giao thêm việc. Kiểu sếp này thường không quan tâm đến sức khỏe và sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc của nhân viên. Họ đòi hỏi nhiều hơn những gì mình cần và trong đầu lúc nào cũng chỉ có công việc là thứ tồn tại duy nhất.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp tham công tiếc việc: Hãy quan tâm tới cuộc sống cá nhân của bản thân đầu tiên. Có thể bạn đã phải rời xa gia đình và bạn bè để bắt đầu công việc kinh doanh nhưng đã đến lúc bạn phải tìm lại sự cân bằng cho chính mình. Hãy tập chăm sóc sức khỏe và các mối quan hệ xung quanh, và cũng đừng quên quan tâm tới khoảng thời gian cá nhân của nhân viên để hạn chế giao việc nhất có thể trong thời gian ngoài giờ làm việc.
Người sếp “họ hứa”
Họ là kiểu sếp chuyên nói những điều mà mọi người muốn nghe nhưng lại không hề tin tưởng. Họ muốn làm hài lòng nhân viên bằng những lời hứa hẹn tốt đẹp nhưng không bao giờ thực hiện.
Làm thể nào để tránh trở thành một người sếp không biết giữ lời: Hãy trung thực. Đừng hy vọng hão huyền hoặc hứa những điều mà bạn không thể thực hiện được. Hãy nhớ rằng lời nói của bạn là một vũ khí có giá trị và bạn không nên lãng phí nó một cách vô nghĩa. Chỉ bằng cách giữ lời hứa, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo đáng tin cậy và được tôn trọng.
Kẻ lười biếng
Kiểu sếp này thường “tin tưởng” quá nhiều vào nhân viên của mình mà không làm bất cứ điều gì ngoài việc đợi nhân viên giải quyết mọi thứ. Ngày nào họ cũng đến muốn và luôn nói chuyện điện thoại. Khi bạn hỏi họ về một vấn đề nào đó, hầu như họ không bao giờ đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng. Kiểu sếp này thường bị nhân viên đánh giá là vô trách nhiệm và hầu như mọi thứ không quan trọng với họ, họ không thích làm việc, không tập trung và thậm chí còn ngáp dài ngáp ngắn mỗi khi ngồi vào bàn làm việc.
Làm thế nào để tránh trở thành một người sếp lười biếng: Hãy theo đuổi đam mê của bạn. Nếu bạn không làm công việc lý tưởng của mình thì đã đến lúc bạn nên nhảy việc. Hãy nhớ rằng bạn chính là tấm gương để cho nhân viên noi theo. Vì vậy hãy cố gắng là người có thái độ làm việc tích cực để lan tỏa sự lạc quan tới nhân viên của mình.