Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) mới nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ngày 12/7 theo yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3 và có công văn giải trình.
Đây là lần thứ 2 mà công ty Lilama 45.3 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai.
Đức Long Gia Lai có phát sinh khoản nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng đối với Công ty Lilama 45.3. Con số này đã được xác nhận theo bản án phúc thẩm ngày 8/2/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Đến tháng 7/2023, Lilama 45.3 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai và TAND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản.
Tập đoàn có đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định này. Cơ quan này sau đó đã xem xét quá trình hoạt động, nhận thấy công ty không mất khả năng thanh toán và có thiện chí, cam kết trả nợ cho Lilama 45.3. TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết trong 8 tháng kể từ hủy quyết định mở thủ tục phá sản đến nay, công ty vẫn triển khai các hoạt động bình thường, đồng thời tiếp tục có thiện chí trả nợ cho Lilama 45.3 theo đúng cam kết.
Tính riêng nửa đầu năm nay, tập đoàn đã trả cho Lilama 45.3 khoảng 2 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã thanh toán cho đối tác là 6 tỷ đồng. Lần trả nợ gần nhất là vào ngày 27/6 khi công ty trả 350 triệu đồng.
Doanh nghiệp dẫn quy định "Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán" để cho rằng chưa vi phạm quy định của Luật Phá sản 2014.
Do đó, Đức Long Gia Lai đã gửi văn bản đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xem xét lại điều kiện của việc Lilama 45.3 gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, để không thụ lý đơn và thu hồi thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trong thời gian chờ tòa án trả lợi, tập đoàn nói vẫn thực hiện cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đức Long Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi liên tục lỗ nặng trong 2 năm vừa qua, với con số lần lượt -1.197 tỷ và -578 tỷ đồng, điều này khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp đến cuối năm ngoái đã đến 2.664 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán nói rằng tập đoàn đang lên kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng giai đoạn 2024-2026 cũng như khả năng đàm phán thanh toán các khoản vay quá hạn với chủ nợ, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.
Theo kế hoạch năm nay, Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 1.400 tỷ và có lãi sau thuế 120 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với kết quả năm 2023 dù ban lãnh đạo đánh giá vẫn có nhiều biến động từ kinh tế trong nước và thế giới.
Tập đoàn đang đánh giá khả năng trả nợ thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn với số tiền hơn 200 tỷ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi nợ trong năm 2024 để cung cấp hồ sơ cho kiểm toán gỡ bỏ ý kiến ngoại trừ.
Lãnh đạo doanh nghiệp nói sẽ thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo khoản vay, phối hợp với ngân hàng chuyển nhượng các tài sản kém hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác huy động vốn, cân đối danh mục tài sản...
Trong động thái mới nhất, HĐQT Đức Long Gia Lai thông qua việc sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp của tập đoàn tại công ty conTNHH Mass Noble Investments Limited - đơn vị có giá vốn đầu tư 249 tỷ đồng, tỷ lệ nắm giữ 97,73% vốn.
Mass Noble Investments Limited là công ty cốt lõi trong hoạt động của tập đoàn phố núi này. Mặc dù doanh số giảm mạnh 30% trong năm ngoái xuống 573 tỷ đồng, đây vẫn là mảng kinh doanh lớn nhất đóng góp 51% nguồn thu cho tập đoàn.