"An ninh của các nước đồng minh là an ninh của chúng tôi. Do đó, vào năm 2025, phần lớn lực lượng vũ trang Đức sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của NATO" , Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố và nói thêm: "Khoảng 35.000 binh lính trong số đó sẽ ở trong trạng thái sẵn sàng cao nhất".
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Đức đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhân lực và trang thiết bị lớn trong quân đội. Trong khi đó, nước này vẫn quyết định gửi nhiều lô vũ khí đến hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Số bình lính trong quân đội Đức đang già đi. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức thông tin thêm, trọng tâm của Berlin vẫn là " bảo vệ đồng minh ở sườn phía đông NATO" và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Hồi tháng 4, Đức cử lực lượng tới Litva như một phần kế hoạch thành lập lữ đoàn thiết giáp, gồm 4.800 binh sỹ. Họ sẽ đóng quân thường trực tại Baltic giáp biên giới Nga vào năm 2027.
Moskva cho biết động thái này sẽ buộc Nga thực hiện biện pháp đặc biệt để đáp trả.
Nói về việc triển khai quân tới Litva, ông Pistorius gọi đây là " quyết định chưa từng có trong lịch sử nước Đức" và đưa ra "tín hiệu rõ ràng" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Đức và đồng minh sẽ bảo vệ "từng centimet" lãnh thổ NATO.
Trước đó, ông Pistorius gặp người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, và tiết lộ Berlin đã mua 3 bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất cho Ukraine.
" Số vũ khí này được mua từ Mỹ và chúng tôi sẽ thanh toán” , Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức nói. Các bệ phóng HIMARS được gắn trên khung gầm xe tải và có thể bắn nhiều tên lửa liên tiếp.
Ngoài ra, ông Pistorius cho rằng việc áp đặt lại quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Đức sẽ giúp giải quyết vấn đề nhân sự. Ông cho rằng quyết định chấm dứt quy định về nghĩa vụ quân sự của Đức vào năm 2011 là một sai lầm.