Trong khi Hamlet thì tự hỏi "tồn tại hay không tồn tại?" - một câu hỏi mang tầm cỡ triết học lớn mà nhân loại vẫn đang đau đầu giải mã suốt hàng thế kỷ, thì người yêu pizza khắp thế giới (đặc biệt là người Ý) có vẻ quan tâm hơn đến một vấn đề mà xét theo góc độ nào đó lại nhỏ nhoi, "tầm thường" hơn nhiều: "dứa hay không dứa trên pizza?".
Với nhiều người trên thế giới, biến tấu ẩm thực là lẽ tất nhiên để khiến một món ăn trở nên dễ hòa nhập, đi sâu vào đời sống văn hóa một quốc gia khác, vậy nên dù là dứa hay socola, mayonnaise... trên pizza thì cũng ổn cả thôi! Tuy nhiên, nổi tiếng là những người bảo thủ với ẩm thực, một số người Ý chính gốc lại cho rằng miếng dứa nằm trên lát pizza không khác gì một hình ảnh báng bổ và... phản bội.
Thậm chí với nhiều người yêu pizza, chỉ tưởng tượng đến biến thể Hawaii (vô cùng nhiều dứa!) của pizza đã khiến họ cau mày, lườm nguýt, khó chịu và giận dữ tột cùng. Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết là tiểu bang Hawaii của Mỹ hơi bị "oan uổng" trong vụ tranh cãi này, vì thậm chí còn chẳng liên quan gì đến quá trình "chế tác" ra món bánh "thù địch số 1" của một bộ phận tín đồ ẩm thực.
Nguồn gốc một trong những món ăn gây tranh cãi nhiều nhất địa cầu
Người đàn ông được nhiều người tin là đã mang đến cho thế giới chiếc bánh pizza nhân thịt nguội và dứa không phải là người Hawaii, cũng không phải là người Ý (thật may là không có sự phản bội nào ở đây!).
Sam Panopoulos là một người Hy Lạp nhập cư đến Canada, điều hành một nhà hàng với anh em mình ở thành phố Chatham, Ontario. Panopoulos trước đó đã đến thăm Naples - nơi khai sinh ra bánh pizza - và được truyền cảm hứng để bắt đầu thêm đại diện của đất nước hình chiếc ủng vào menu vốn gồm burger cùng bánh pancake.
Chỉ có một vấn đề, cho gì lên bánh bây giờ nhỉ?
Panopoulos có lẽ là một nhà tiên phong ẩm thực khá táo bạo và cho rằng những nguyên liệu như pepperoni hay nấm thì cũng thường thôi và nhàm quá rồi. Thế thì hay là lấy cảm hứng từ phía Nam biên giới - cụ thể là đồ ăn Mỹ với hương vị Trung Hoa thì sao nhỉ?
Trên đế bánh pizza sốt phô mai và cà chua, ông rải dứa đóng hộp và giăm bông cắt lát - lấy cảm hứng từ hương vị mặn ngọt kết hợp trong ẩm thực Trung Hoa. Vâng, đây đích thị là một "món ăn toàn cầu" khi được lấy gốc từ Ý, chế tác bởi người Canada gốc Hy Lạp, mang hơi hướng ẩm thực Mỹ kiểu Trung Quốc! Còn cái tên? Đơn giản đó là nhãn hiệu của loại dứa đóng hộp được dùng thôi, không quá liên quan đến thiên đường nhiệt đới chúng ta biết đâu.
Món ăn toàn cầu thì ai cũng công nhận rồi, nhưng nếu bạn yêu pizza thì chắc hẳn sẽ phải thuộc một trong 2 "team": Coi Hawaiian là "cực phẩm", hoặc nhìn nó với cái liếc xéo sắc như dao cau và tự nhủ "tội phạm ẩm thực!".
Rất hiếm món ăn có khả năng "phân chia chiến tuyến" mãnh liệt như chiếc pizza này. Ở nhiều vùng của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và châu Đại Dương, rất ít thực đơn bánh pizza thực sự hoàn chỉnh mà không có nó.
Tuy nhiên, với một số người, việc ghép cặp cho mối tình pizza - dứa được coi là một điều kinh hãi, có lẽ không khác gì bún đậu chấm tương ớt. Nó thậm chí đã dẫn đến phát biểu gây tranh cãi của lãnh đạo các quốc gia: Tổng thống Iceland từng tuyên bố sẽ cấm dứa trên pizza vào năm 2017.
Charles Spence, một nhà tâm lý học thực nghiệm nghiên cứu về giác quan với cảm nhận đồ ăn tại Đại học Oxford cho biết: "Tôi đoán bạn có thể gọi nó là thực phẩm kết hợp (fusion food), trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Và, tất nhiên, ngọt là vị được ưa chuộng nhất, nên nó cũng dễ dàng được điểm cộng ở chỗ đó".
Nhưng có vấn đề gì với dứa và pizza mà nhiều người Ý và người yêu món ăn ấy kiên quyết cách trở "mối tình" oan gia này (dù là đùa hay thật) nhỉ?
Một vài lời bào chữa
Trên thực tế, mặc dù là tác giả của mối tình bị ghét nhất ngành ẩm thực, Panopoulos có lẽ không phải là người đầu tiên nghĩ ra sáng kiến đem vị ngọt chua của dứa kết hợp vị umami, mằn mặn của thịt xông khói. Cần biết, thịt xông khói mới là tác nhân "kéo" dứa lên pizza, chứ không phải lớp bột bánh.
Trước ông, có một cuốn sách nấu ăn từ Úc tên Golden Circle (Vòng tròn vàng) đã đưa ra sáng kiến kết hợp một miếng dứa tròn trên miếng thịt xông khói ngay trên trang bìa. 1 thập kỷ trước đó, người Đức hậu chiến đã nghĩ ra món Toast Hawaii - gồm một miếng dứa tròn, phô mai lát và thịt xông khói cùng nướng vỉ.
Thịt lợn xông khói và dứa tất nhiên không phải là cặp đôi thịt và trái cây duy nhất trong ẩm thực thế giới. Ở Pháp, vịt được kết hợp với nước sốt cam ngọt. Cơm thập cẩm Iran trộn thịt cừu với hạt lựu. Bữa tối trong Lễ Tạ ơn của người Mỹ sẽ không toàn vẹn nếu thiếu nước sốt nam việt quất đi kèm với gà tây truyền thống, hoặc kẹo dẻo và khoai.
Nhưng tại sao vị ngọt kết hợp mặn lại "cuốn" thế nhỉ? Như cơn sốt caramen mặn gần đây đã giải thích, cơ thể phản ứng với sự kết hợp này một cách bản năng - đây gọi là "chồng lớp hương vị".
Bộ não phản ứng với hiện tượng này một cách nhiệt liệt đến đáng ngờ - vị ngọt đánh thức cảm quan về nguồn carbonhydrates giàu năng lượng cho cơ thể, trong khi vị mặn lại đến từ khoáng chất thiết yếu cho các chức năng sinh học.
Mặc dù cảm quan về hương vị bị ảnh hưởng nhiều bởi gen, môi trường, lối sống hay văn hóa, một điều không thể chối bỏ là sự kết hợp này rất diệu kỳ theo các nhà khoa học ẩm thực. Một khám phá thú vị là khi được nấu ở nhiệt độ cực cao như trong lò củi, các hợp chất tạo ra mùi vị hoa quả của dứa nhanh chóng bay hơi và để lại chỉ vị ngọt, lấn át cả vị chua.
Hơn nữa, vị ngọt này càng được ưa thích nếu một số thành phần của pizza hơi bị mặn, nhất là thịt xông khói, xúc xích hay pho mát, đặc biệt nếu pizza được đông lạnh. Vị ngọt sẽ trung hòa vị mặn một cách tự nhiên và tạo ra trải nghiệm hứng thú. Cuối cùng, vị chua của dứa góp phần làm thanh dịu đi sự ngấy, béo của một số thành phần trên bánh pizza.
Người Ý thực sự ghét pizza dứa đến mức nào?
Theo blogger Giuseppe A. D'Angelo người Ý, trên thực tế tại quê nhà của món bánh này, nếu đem so với nhiều sự kết hợp biến tấu khác như dùng kem làm xốt carbonara thì người ta vẫn còn "hiền chán" với dứa. Thật vậy, mặc cho các câu chuyện đùa vui trên mạng, nói đúng ra thì có vẻ đa số người Ý đã "mệt" với "cuộc chiến" này lắm rồi.
Nhiều ví dụ về "chiến dịch tẩy chay" của "phe" ghét dứa trên pizza lại đến từ các quốc gia phương Tây khác, chẳng hạn như khi đầu bếp lừng danh Gordon Ramsey kiên quyết tuyên bố trên TV là "Không được cho dứa lên pizza", hay một số tựa game ăn khách còn phi pháp hóa sự kết hợp này trong thế giới giả tưởng của họ.
Đầu bếp Gordon Ramsey từng nhiều lần chỉ trích món bánh ngoại lai này, coi nó là "bi kịch của người Ý" và từng cố ăn nó để làm từ thiện.
Như đã giải thích, một trong những người kịch liệt nhất trong phong trào "không dứa" thực chất lại là người Iceland chứ không phải người Ý. Trò nửa thật nửa đùa này thậm chí đi xa đến mức CISA (Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ) thậm chí tung ra một tài liệu infographic năm 2019 với tựa đề về "cuộc chiến dứa".
Hình ảnh hài hước được lan truyền trên mạng với nội dung một người nhập cư Ý bị bạn bè trêu chọc bằng cách cho xem người ta đặt dứa lên pizza.
Dù sao, như D'Angelo cho biết, đa số người Ý giờ đã có cái nhìn tích cực hơn về loại biến tấu này chứ không còn quá gay gắt, trừ một số người dân và đầu bếp hơi bảo thủ ra. Đa phần, người Ý được chia làm 2 nhóm: Hoặc chắc chắn không chấp nhận, nhưng mặc kệ, không muốn tốn công tranh cãi; hoặc chấp nhận với tinh thần cởi mở và nếu có điều kiện sẽ thử.
Kết luận lại, blogger giải thích trong bài viết trên trang Pizzadixit rằng dù một bộ phận người Ý vẫn bảo thủ, nhưng họ đã thử nghiệm ẩm thực rất nhiều, và họ cũng chú trọng đến đổi mới, khi mọi thành phần đều đáng được cân nhắc, thử thách, và dứa cũng không phải ngoại lệ.
Nguồn: BBC Future, Pizzadixit, tổng hợp