
Theo thông tin mới nhất trên tờ Khmer Times, tại một cuộc họp của Thượng viện Campuchia ngày 22/4, ông Hun Sen chia sẻ về chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước đã mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia này. Trong đó, một trong những lợi ích rõ ràng nhất là động lực tài chính cho việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo.
Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, phía Campuchia do Phó thủ tướng kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol đại diện, và phía Trung Quốc do Chủ tịch Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) Vương Đồng Trụ đại diện, đã ký một thỏa thuận Đối tác công - tư (PPP), trị giá 1,156 tỷ USD cho dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Theo tờ Khmer Times, được triển khai theo mô hình Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) theo luật PPP của Campuchia, dự án kênh đào Phù Nam Techo đảm bảo quyền sở hữu quốc gia chiếm đa số, với các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% cổ phần và các đối tác Trung Quốc nắm giữ 49% còn lại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen khi ông rời Campuchia vào ngày 18/4. Ảnh: Phnompenh Post
Thế nhưng, tại cuộc họp của Thượng viện Campuchia ngày 22/4, ông Hun Sen giải thích rằng Chính phủ Campuchia sẽ tài trợ cho dự án kênh đào Phù Nam Techo, hoàn thành đúng tiến độ ngay cả khi không có sự tham gia của Trung Quốc.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen chia sẻ: "Việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo sẽ tiếp tục bất kể thế nào. Tôi muốn làm rõ rằng, chúng ta phải xây dựng kênh đào này, dù có hay không có sự hỗ trợ của những người bạn Trung Quốc".
Mặc dù giải thích như trên, nhưng ông Hun Sen nhấn mạnh rằng sự tham gia của Trung Quốc vào dự án kênh đào Phù Nam Techo nên được coi là "điều may mắn" đối với Campuchia.
"Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính và mở cửa cho những công ty Trung Quốc tham gia công trình này. Chúng tôi sẽ hoàn thành dự án này đúng thời hạn", Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nhấn mạnh.
Tính đến nay, vẫn chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với phát ngôn trên của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Phối cảnh kênh đào Phù Nam Techo.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Bân khẳng định rằng, Trung Quốc hoàn toàn hiểu được nhu cầu của Campuchia liên quan tới dự án kênh đào Phù Nam Techo và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Ông Vương Văn Bân nhấn mạnh rằng, 5 thỏa thuận và hợp đồng liên quan tới dự án quản lý tài nguyên nước tổng hợp Phù Nam Techo đã được hai bên ký kết vào ngày 17/4.
Kênh đào sẽ tạo ra một hành lang đường thủy nội địa - hàng hải mới

Phối cảnh một đoạn trong dự án kênh đào Phù Nam Techo. Ảnh: Troryorng Media
Kênh đào Phù Nam Techo đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên hiện có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.
Được khởi công vào ngày 5/8/2024, kênh Phù Nam Techo khi hoàn tất dự kiến kéo dài 151,6 km từ sông Bassac gần Phnom Penh đến tỉnh ven biển Kep. Kênh đào này được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang đường thủy nội địa - hàng hải mới. Dự án khoảng 1,7 tỷ USD sẽ bao gồm đào kênh đào, xây dựng các âu tàu, hỗ trợ cơ sở hạ tầng hàng hải và hậu cần.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn, 80 m ở hạ nguồn, sâu 5,4 m, gồm độ sâu điều hướng 4,7 m và biên an toàn 0,7 m. Kênh đào cho phép tàu hàng tải trọng toàn phần lên đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô và 5.000 tấn vào mùa mưa. Kênh đào có hai làn, nên các phương tiện có thể ra vào và tránh nhau an toàn.
Thời gian xây dựng kênh đào Phù Nam Techo dự kiến kéo dài trong khoảng 4 năm. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh đào này sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
(Khmer Times, Phnompenh Post)