Bất động sản

Dự án nhà ở xã hội bán 24 lần chưa hết?

Trầy trật bán nhà ở xã hội

Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đang thông báo tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt thứ 24.

Theo đó, dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn bán thương mại; 911 căn hộ nhà ở xã hội để bán và 312 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê.

Dự án nhà ở xã hội bán 24 lần chưa hết? - 1

Dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long mở bán lần thứ 24

Từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán lần thứ 23, dự án mới bán được 847 căn nhà xã hội và 113 căn nhà cho thuê.

Lần thu hồ sơ thứ 24 này, số căn hộ cho thuê còn 208 căn và số căn hộ để bán còn 64 căn. Thời gian nhận hồ sơ đợt 24 kéo dài hết ngày 13/3/2022.

Giá bán dự kiến căn hộ nhà ở xã hội hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì); giá cho thuê dự kiến là hơn 61.000 đồng/m2/tháng (chưa gồm thuế VAT). Với lần mở bán thứ 24, đây là dự án nhà ở xã hội đứng đầu trong số lần mở bán.

Trước đó, dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (The Vesta), tại Hà Đông do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư (diện tịch 45.000m2, gồm khu nhà ở, 8 tòa chung cư) được giới thiệu là khu nhà ở xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện giao thông, quy mô lớn nhất Thủ đô. Giá bán dự kiến 13,6 triệu đồng/m2; giá thuê 45.396 đồng/m2/tháng (chưa bao gồm thuế và phí bảo trì); thế nhưng cũng mở bán đến gần chục đợt mới hết.

Nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP.HCM thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng tham gia thuê, mua nhà. Thậm chí, có những dự án đã xây dựng rồi nhưng không có người mua, phải đề xuất phá để xây nhà ở thương mại.

Theo ông Nghiêm, thủ tục pháp lý chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do việc lựa chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng. “Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thì không có người đến ở. Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu chưa được nghiên cứu kỹ, chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê”, ông Nghiêm nói.

Qua đây, ông Nghiêm đề xuất, cần quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội rõ ràng, đảm bảo quy mô, cơ cấu đối tượng, thay vì thực hiện theo đề xuất của các nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện nay nhiều người không thuộc đối tượng thì lại mua được, trong khi nhiều người đủ điều kiện mua lại không biết mua ở đâu. Do vậy, cần công khai đối tượng, quá trình xét duyệt hồ sơ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng rất khó để phát triển các khu nhà ở xã hội gần trong nội đô vì giá xây dựng và đền bù rất lớn, trong khi Nhà nước khống chế giá bán.

Vì thế, nhà ở xã hội phải xây dựng ở những vùng xa trung tâm, giá đất thấp thì mới có khả năng đảm bảo mức giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc xa trung tâm, không có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ lại khó có thể thu hút người mua.

Theo ông Đính, phát triển nhà ở xã hội phải gắn liền với việc kéo dãn khu vực kinh tế ra ngoài ven đô, khu đô thị vệ tinh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, phù hợp với nhu cầu nhà ở từng khu vực... “Trước mắt, khuyến khích dự án thương mại có trách nhiệm, nghĩa vụ trích một phần trong số đó ra để cơ cấu giá phù hợp, bổ sung quỹ nhà ở xã hội mà xã hội đang cần”, ông Đính nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm