Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. Hồ Chí Minh có mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu được khởi công vào tháng 6/2016. Dự án do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao). Dự án được xây dựng nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Dự án gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận. Trong đó, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đặt tại sông Mương Chuối có quy mô lớn nhất với chiều dài hơn 200m, gồm 4 cửa van ngăn triều đã được lắp.
Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng dự án đã phải ngừng thi công nhiều lần. Cụ thể, sau lần dừng thi công vào tháng 4/2018 thì vào giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục phải ngừng thi công. Nguyên dân là do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020). Chủ đầu tư cho biết dự án thiệt hại hơn 45 tỷ đồng ở tháng đầu tiên trong giai đoạn này.
Đầu tháng 4/2021, Thủ tướng đã ký Nghị quyết 40, tháo gỡ vướng mắc để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù. Theo Thủ tướng Chính phủ, dự án cần tiếp tục triển khai nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Thủ tướng giao UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời thành phố phải chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát lại, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.
UBND thành phố đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố chịu trách nhiệm rà soát, khắc phục tối đa các tồn tại về pháp lý dự án đang vướng mắc.
Trên thực tế, việc dừng thi công kéo dài khiến phát sinh chi phí lớn. Theo tính toán của nhà đầu tư, hơn một năm dự án tạm dừng từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi,… đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.
Theo Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh, thành phố rất quyết tâm đầu tư hoàn thành dự án chống ngập do triều. Hiện tại, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Đến nay, các thủ tục liên quan đến Trung ương cơ bản đã được giải quyết. Thành phố dự kiến trong năm 2022, công trình sẽ cơ bản hoàn thành, đến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác thanh quyết toán liên quan.
Như vậy, khi dự án chống ngập 10.000 tỷ được hoàn thành vào cuối năm nay thì vấn đề ngập úng vào mùa mưa sẽ được giải quyết. Từ đó, dự án góp phần cải thiện đời sống cho người dân toàn thành phố.