Bất động sản

Dragon Group, doanh nghiệp đang “rộng cửa” làm dự án khu đô thị hơn 4.200 tỷ đồng tại Thái Bình làm ăn ra sao?

Rộng cửa tại dự án khu đô thị 4.200 tỷ đồng

Theo các thông tin công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long (Dragon Group) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Phát triển nhà ở Khu đô thị tại xã Song An và xã Trung An, huyện Vũ Thư.

Dự án Phát triển nhà ở Khu đô thị tại xã Song An và xã Trung An, huyện Vũ Thư có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 4.081,359 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 128,05 tỷ đồng; tổng diện tích 122,6 ha. Theo chủ trương được phê duyệt, Dự án sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu A1, A2, A3 trong vòng 36 tháng; xây dựng công trình nhà ở thấp tầng, nhà cao tầng và công trình thương mại dịch vụ trong 72 tháng.

Về nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện, Dragon Group được thành lập năm 2009, có địa chỉ tại phường Phú Khánh, TP Thái Bình. Dragon Group hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghiệp, dịch vụ - thương mại và xây dựng.

Tại TP. Thái Bình, Dragon Group được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án, trong đó có dự án Nhà ở xã hội Dragon Group tại xã Vũ Phúc với diện tích 11,3ha, gồm 4 tòa nhà cao 9 tầng với 498 căn hộ. Tổng diện tích sàn xây dựng 41.059m2, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 330 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Vũ Phúc Thái Bình Dragon City tại xã Vũ Phúc, tổng diện tích 310 ha, số lượng xây dựng 809 căn hộ. Tổng vốn đầu tư xây dựng năm 2022 là 855 tỷ đồng, đạt 60% tổng mức đầu tư toàn dự án.

Ba năm tăng vốn hơn 3 lần

Là doanh nghiệp “có tiếng” tại Thái Bình với nhiều hoạt động đa ngành và tham vọng phát triển các dự án bất động sản tại nhiều địa phương trên cả nước.

Về nguồn vốn, trong giai đoạn vừa qua, Dragon Group có quá trình tăng liên tục, nhanh chóng.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2022, Dragon Group đã đăng ký tăng vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 11/2020 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng lên mức 700 tỷ đồng từ mức 600 tỷ đồng trước đó.

Đến tháng 9/2021, vốn điều lệ của Dragon Group tiếp tục tăng lên mức gần 1.000 tỷ đồng. Cuối tháng 4/2022, Dragon Group tăng vốn điều lệ lên mức 1.450 tỷ đồng.

Như vậy, Dragon Group đã tăng vốn lên gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2020 - 2022.

Kinh doanh trồi sụt, nghìn tỷ nợ phải trả

Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ nhanh chóng thì trong giai đoạn 2019 - 2021, tài sản của Dragon Group cũng không ngừng gia tăng.

Cụ thể, tài sản của Dragon Group đã tăng từ mức hơn 1.500 tỷ vào năm 2019 tăng lên 1.664 tỷ đồng vào năm 2020 và đạt 2.200 tỷ vào năm 2021.

Chiếm hơn nửa tổng tài sản của Dragon Group là sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang và các khoản đầu tư tài chính.

Trong 3 năm từ 2019-2021, khoản đầu tư tài chính vào các công ty con của doanh nghiệp tăng từ 367,8 tỷ đồng lên mức 776,6 tỷ đồng.

Về tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu của Dragon Group trong giai đoạn 2019-2021, hàng tồn kho luôn ở mức cao.

Theo đó, năm 2019, hàng tồn kho của Dragon Group ở mức gần 110 tỷ đồng (chiếm 7% tổng tài sản), đến năm 2020, hàng tồn kho tăng lên 606 tỷ đồng (chiếm hơn 36% tổng tài sản). Đến cuối năm 2021, hàng tồn kho của Dragon Group giảm xuống còn 406,1 tỷ đồng.

Bên cạnh sự trồi sụt của hàng tồn kho, nợ phải trả của Dragon Group trong giai đoạn 2019-2021 cũng liên tục gia tăng.

Cụ thể, năm 2019, Dragon Group nợ hơn 881 tỷ đồng, sau đó tăng lên 903 tỷ đồng vào năm 2020.

Đến tháng 12/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp đã gần cán mốc 1.000 tỷ đồng. Cơ cấu nợ của Dragon Group chủ yếu là nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải trả.

Ngoài ra, bảng cân đối kế toán của Dragon Group cũng cho thấy các khoản nợ vay dài hạn của doanh nghiệp đã tăng gấp 22 lần trong giai đoạn 2019-2021, từ mức 12,9 tỷ đồng vào năm 2019 lên mức 266 tỷ đồng vào 2021.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Dragon Group trong giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy kết quả khá trồi sụt.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm gần 1 nửa, từ 852,6 tỷ đồng xuống còn 447 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu thuần lại tăng gấp 2,5 lần, lên mức gần 1.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù ghi nhận doanh thu khá cao nhưng do giá vốn bán hàng cũng neo ở mức cao, lần lượt là 724,4 tỷ đồng (2019); 411,6 tỷ đồng (2020) và 850 tỷ đồng (2021) đã khiến cho lợi nhuận gộp của Dragon Group không mấy khả quan.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2021, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt là: 128,2 tỷ đồng; 36,1 tỷ đồng và 227,8 tỷ đồng.

Trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Dragon Group trong giai đoạn 2019-2021 cũng cho thấy sự khá bấp bênh.

Cụ thể, năm 2019, dòng tiền kinh doanh của Dragon Group dương 334,3 tỷ đồng, nhưng năm 2020 lại âm tới 478,3 tỷ đồng. Đến năm 2021, dòng tiền kinh doanh của của Dragon Group dương trở lại ở mức khoảng 66 tỷ đồng.

Thế chấp từ ô tô, hàng tồn kho, sổ tiết kiệm,… đến dự án nhà ở xã hội

Theo dữ liệu từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (NRAST), Dragon Group hiện cũng đang cầm cố, thế chấp nhiều tài sản, quyền tài sản cho một số ngân hàng tại Thái Bình.

Gần đây nhất, vào tháng 3/2023, Dragon Group đã thế chấp 04 xe ô tô cho BIDV chi nhánh Thái Bình. Trước đó, vào tháng 11/2022, doanh nghiệp cũng đã thế chấp cho BIDV Thái Bình 01 sổ tiết kiệm.

Vào tháng 7/2022, Dragon Group đã thế chấp cho BIDV chi nhánh Thái Bình tài sản và quyền tài sản là khoản phải thu/quyền đòi nợ trong hoạt động kinh doanh mảng may mặc, xây dựng và xăng dầu cũng như hàng tồn kho luân chuyển trong hoạt động kinh doanh mảng may mặc, xây dựng và xăng dầu của doanh nghiệp.

Vào tháng 6/2022, Dragon Group đã thế chấp cho BIDV chi nhánh Thái Bình tài sản và quyền tài sản là phần vốn góp của Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long tại Công ty TNHH Dragontextiles 2 với giá trị định giá là 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vào tháng 9/2021, Dragon Group đã thế chấp cho VCB chi nhánh Thái Bình tài sản và quyền tài sản là toàn bộ quyền khai thác, quản lý Dự án đầu tư (Quyền tài sản) của Dự án Nhà ở xã hội thuộc Khu C, Dự án án khu dân cư xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình đang được đầu tư xây dựng và/hoặc tạo lập trên thửa đất 11.301,2 m2 được UBND tỉnh Thái Bình giao cho Dragon Group theo Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 04/05/2021 của UBND tỉnh Thái Bình.

Cũng trong năm 2021, Dragon Group cũng đã thế chấp cho VCB Thái Bình 03 sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm.

Đến thời điểm hiện tại, theo NRAST, các tài sản đã được Dragon Group đem cầm cố, thế chấp làm tài sản bảo đảm nói trên hiện tại vẫn chưa được giải chấp.

Về DragonGroup, theo thông tin giới thiệu của doanh nghiệp, DragonGroup có tên pháp lý là Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long.

DragonGroup là doanh nghiệp đi đầu hoạt động trong 3 nhóm lĩnh vực cốt lõi: Công nghiệp (Dệt may, Khoáng sản và bảo vệ môi trường), Dịch vụ - Thương mại (Vận tải, Đại lý ô tô xe máy điện, Khách sạn, Trung tâm thương mại, Giáo dục, Thể thao, Bảo vệ, Xăng dầu, Vật liệu xây dựng….), Xây dựng (Kết cấu Hạ tầng kỹ thuật, Đầu tư phát triển Dự án Bất động sản và tổ hợp khu công nghiệp).

Theo DragonGroup, với mục tiêu góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật trên cả nước, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người Việt Nam, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển với tốc độ nhanh và quy mô lớn, hiện đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn trong nước và nước ngoài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm