Sức khỏe

Đột tử 2 lần khi ngủ, người đàn ông thoát chết khó tin

Theo bệnh sử, trước khi nhập viện vào lúc 23 giờ đêm người thân phát hiện anh N. nằm bất động, ngưng thở, mất ý thức. Xác định dấu hiệu ngưng tim, gia đình lập tức gọi cấp cứu 115. Theo hướng dẫn của nhân viên cấp cứu, người thân bệnh nhân đã chủ động thực hiện hồi sức tim phổi trong lúc chờ lực lượng chuyên môn đến hỗ trợ.

Đột tử 2 lần khi ngủ, người đàn ông thoát chết khó tin ảnh 1

Các bác sĩ tiến hành cấy máy phá rung tự động, ngăn chặn nguy cơ đột tử cho bệnh nhân

Khoảng 15 phút sau, xe cấp cứu tiếp cận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sinh tim phổi và chuyển đến Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Tại đây các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, sốc điện, điều chỉnh rối loạn nhịp và huyết áp.

Nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ đã giúp sinh hiệu người bệnh dần ổn định. Ngay trong đêm, bệnh nhân được tách máy thở, rút ống nội khí quản và dần tỉnh táo.

Theo bệnh sử, bệnh nhân có anh ruột đã đột tử vào ban đêm lúc 30 tuổi. Trước đó khoảng 2 năm, bệnh nhân từng bị ngưng tim khi ngủ và may mắn được các bác sĩ cứu sống. Người bệnh đã được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada.

Ở lần đột tử thứ nhất, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân cấy máy phá rung tự động (ICD) để ngăn ngừa nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp thất. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên thời điểm đột tử lần thứ nhất bệnh nhân chưa cấy máy dẫn đến tiếp tục bị ngưng tim khi ngủ lần thứ hai.

“Dù có chỉ định đặt ICD rõ ràng từ lần đầu, bệnh nhân chưa thực hiện được. Đến lần này anh ấy lại may mắn sống sót – cơ hội hiếm có với một ca Brugada” - BS Nguyễn Phúc Nguyên, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức chia sẻ.

Đột tử 2 lần khi ngủ, người đàn ông thoát chết khó tin ảnh 2

Thiết bị được đặt dưới da có khả năng kiểm soát nguy cơ rối loạn nhịp thất cho bệnh nhân

Sau khi được cứu sống lần thứ hai, các bác sĩ đã tiến hành cấy ICD cho anh N. Ca phẫu thuật kéo dài 60 phút diễn ra thuận lợi: thiết bị được đặt dưới da vùng ngực, các điện cực nối trực tiếp vào buồng tim để giám sát và xử lý tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm. Sau đặt máy thành công, sức khỏe người bệnh đã ổn định, không ghi nhận nhịp nhanh thất hoặc rung thất tái phát.

“Không phải ai cũng có cơ hội được cứu sống hai lần. Việc cấy máy ICD kịp thời sẽ bảo vệ sinh mạng, kiểm soát được nguy cơ rối loạn nhịp thất, giúp bệnh nhân yên tâm trở lại cuộc sống” - BS Nguyên nhấn mạnh.

Theo phân tích của các bác sĩ Hội chứng Brugada là bệnh lý di truyền hiếm gặp gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Bệnh thường gặp ở người trẻ. Người mắc hội chứng này có vẻ ngoài khỏe mạnh nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn nhịp thất đột ngột, dẫn đến ngất xỉu, ngưng tim và tử vong, đặc biệt trong lúc ngủ.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và gia đình cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố có thể kích hoạt rối loạn nhịp như: Sốt cao, một số loại thuốc ảnh hưởng đến dẫn truyền tim, rượu bia, chất kích thích, mất cân bằng điện giải và stress kéo dài. Những gia đình đã có người được chẩn đoán mắc Hội chứng Brugada cần chủ động đưa các thành viên đi thăm khám để được chẩn đoán, chủ động điều trị, tránh biến cố đáng tiếc nguy hiểm đến tính mạng.

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.

Người đàn ông tử vong sau 20 ngày bị chó cắn vào tay

Một người đàn ông ở Đắk Lắk bị chó cắn ở tay. Sau đó khoảng 20 ngày, anh này có biểu hiện tức ngực, khó thở, sợ gió, sợ nước được người nhà đưa đi nhập viện theo dõi nhưng đã tử vong.

Bitcoin lập đỉnh lịch sử mới

Bitcoin đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư tổ chức và chính sách thân thiện với tiền mã hóa của chính quyền Tổng thống Donald Trump.