Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp ước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 8 tháng qua với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (gần 1,6 tỷ USD). Nhìn lại những tháng gần đây, vốn FDI vào bất động sản cũng có xu hướng tăng.
Trong bối cảnh hai dòng vốn quan trọng vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu gặp khó thì nguồn vốn FDI được đánh giá là điểm sáng.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, nhiều kênh dẫn vốn vào thị trường bất động sản như tín dụng, trái phiếu, thị trường cổ phiếu đều đang bị tắc nghẽn.
Cụ thể, nguồn vốn tín dụng gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có tín hiệu sẽ nới room tăng trưởng tín dụng, thị trường trái phiếu chững lại, thị trường cổ phiếu có bước sụt giảm mạnh trong những tháng qua.
Tuy nhiên, khi các kênh dẫn vốn cho BĐS trong nước đang gặp khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính các quỹ cũng nhận định rằng, đây chính là cơ hội vàng để họ giải ngân vào bất động sản Việt Nam, ông Lực cho biết. "Vấn đề là các doanh nghiệp có tiếp cận được với nguồn vốn từ các quỹ này hay không?", vị này nói.
Nhận xét về dòng vốn vào bất động sản thời gian vừa qua, ông Lực cho biết, luôn luôn có ít nhất 5 kênh dẫn vốn bên cạnh nguồn vốn FDI.
Thứ nhất, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với mức 9,35% tăng trưởng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.
Thứ hai là vốn tư nhân (vốn thực góp) với khoảng 60.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022).
Thứ ba là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với khoảng 45.000 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ năm trước), chiếm khoảng 22% tổng lượng phát hành 7 tháng qua.
Ngoài ra còn có nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phần), nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước như vốn mồi, vốn ưu đãi/giảm thuế, vốn từ chương trình phục hồi,…
Theo thống kê của vị chuyên gia này, tổng lượng vốn tung ra cho thị trường bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 420.000 tỷ đồng và nếu như từ nay đến cuối năm thuận lợi thì con số cả năm sẽ rơi vào khoảng 800.000 tỷ. Đây được đánh giá là một con số không hề nhỏ so với toàn bộ lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế.