Theo dữ liệu vừa công bố của Tập đoàn Bảo lãnh Tín dụng Xuất khẩu và Đầu tư Arab (Arab Investment and Export Credit Guarantee Corp. - Dhaman), các quốc gia Arab đã thu hút 406 tỷ USD đầu tư từ 356 công ty nước ngoài và khu vực vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt trong 22 năm qua.
Dữ liệu của Dhaman cho hay trong giai đoạn từ tháng 1/2003 - 5/2024, khu vực Arab đã chứng kiến 610 dự án dầu khí được thực hiện. Mỹ đã nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu với 85 dự án, chiếm khoảng 14% trong tổng số dự án dầu khí ở khu vực Arab. Về vốn đầu tư, Nga dẫn đầu trong giai đoạn này với 61,5 tỷ USD, chiếm khoảng 15,2% tổng số vốn đầu tư vào ngành dầu khí Arab.
Trung Đông vẫn là nơi nắm giữ trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng lớn nhất trên toàn cầu. Theo nền tảng thống kê toàn cầu Statista, tính đến năm 2023, khu vực Trung Đông chiếm khoảng 55,5% tổng trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của thế giới, Tuy nhiên, thị phần của khu vực này đã giảm từ gần 63% năm 1960 xuống dưới 56% vào năm 2020.
Các dự báo cho thấy trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của khu vực Arab tiếp tục sụt giảm. Đến cuối năm 2024, trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của khu vực này sẽ giảm xuống còn 704 tỷ thùng, tương đương khoảng 41,3% tổng trữ lượng dầu thô được kiểm chứng của thế giới. Con số này được dự báo sẽ giảm thêm 7% xuống còn 654,5 tỷ thùng vào năm 2030. Bên cạnh đó, trữ lượng khí đốt tự nhiên được kiểm chứng của khu vực Trung Đông dự kiến sẽ đạt khoảng 58.000 tỷ mét khối, chiếm 26,8% tổng trữ lượng toàn cầu. Con số này dự kiến sẽ giảm 7,5% xuống 53.530 tỷ mét khối vào năm 2030.
Bất chấp các kế hoạch cắt giảm sản lượng, sản lượng dầu thô, khí nén và các chất lỏng khác của các nước Arab được dự báo sẽ gia tăng. Đặc biệt, sản lượng dầu thô của các nước Arab dự kiến sẽ tăng 6,4% lên 28,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trước khi tăng lên khoảng 33 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Dhaman, có trụ sở chính tại Kuwait, là hãng chuyên cung cấp dịch vụ bảo lãnh chống lại rủi ro thương mại và phi thương mại ở các nước Arab. Dhaman thuộc sở hữu của chính phủ các quốc gia Arab cùng với bốn tổ chức tài chính Arab.