Thị trường trong nước bật tăng trở lại trong phiên cuối tuần và hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Mức tăng mạnh trong tuần này tập trung ở nhóm smallcap, bên cạnh đó đà tăng của thị trường được hỗ trợ từ mạch mua ròng sang tuần thứ 4 liên tiếp của khối ngoại.
Cho đến nay, chỉ số chính sàn HOSE đã hồi phục hơn 10% kể từ đáy ngắn hạn trong vòng 1 tháng qua. Thanh khoản khớp lệnh HOSE còn 12.108 tỷ đồng so với mức 17.258 tỷ đồng ở phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ 6,3% so với tuần trước đó, tuy vậy thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE duy trì ở mức bình quân hơn 14.000 tỷ đồng vẫn là vùng thanh khoản rất tích cực. Dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nên các nhịp điều chỉnh trong phiên hoặc cả phiên cũng sẽ qua nhanh, điển hình như 2 phiên vừa qua.
Tự doanh đảo chiều rút ròng nhẹ phiên cuối tuần
Trong phiên giao dịch cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán giảm quy mô đảo chiều bán ròng 21,8 tỷ đồng, trong đó toàn bộ giao dịch được thực hiện qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tự doanh mua ròng 3/18 ngành với hai nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên cuối tuần gồm VCI, FUEVFVND, VND, BCM, HPG, DPR, GMD, HSG, TCH, DRC.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu bất động sản. Top các mã bị bán ròng gồm FPT, MWG, MSN, VRE, NVL, SSI, KBC, VIC, VNM, VPB.
Tổ chức nội chuyển hướng chốt lời cổ phiếu xây dựng
Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước duy trì mua ròng phiên thứ 3 liên tục với giá trị vào ròng đạt 64 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 92,6 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 5/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng & vật liệu. Top bán ròng có HPG, SAB, VHC, KBC, HDC, NLG, HAH, GMD, VND, VCI.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng có VNM, FPT, FRT, VIC, MWG, MSB, MBB, SHB, HSG, VIX.
Theo thống kê của FiinTrade, chỉ số giá ngành ngân hàng tăng 0,64%, với giá trị giao dịch giảm mạnh 32% so với trung bình 5 phiên trước, tỉ trọng giá trị giao dịch của ngành so với toàn thị trường giảm về 9,44%, mức thấp nhất trong 10 ngày liên tiếp cho thấy cung cổ phiếu ngân hàng đang cạn dần.
Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm ngân hàng đang có sự phân hóa với chỉ số giá khi dòng tiền giảm, chỉ số giá tăng, điều này cho thấy cung cổ phiếu đang yếu dần đi.
Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị trường cũng đang giảm dần, tuy nhiên, chỉ số này vẫn nằm ở vùng cao trong vòng 1 năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này vẫn được giao dịch mạnh hơn, nhưng xu hướng này đang yếu dần.
NĐT cá nhân chỉ còn bán ròng gần 175 tỷ đồng phiên áp lực chốt lời hạ nhiệt
Trong phiên áp lực chốt lời có phần hạ nhiệt, NĐT cá nhân giảm quy mô rút ròng còn 174,6 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 211,1 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành xây dựng và vật liệu. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: KBC, DGC, VHM, DXG, VJC, NLG, VHC, PC1, SAB, KDH.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 10/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu là nhóm ngành tài nguyên cơ bản, bất động sản. Top bán ròng có HPG, VCI, VIC, GEX, VND, VIX, NVL, NKG, STB.
Khối ngoại duy trì mua ròng 140 tỷ đồng
Về phía NĐT nước ngoài, họ tiếp đà mua ròng 140 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 140,3 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã: HPG, VIC, NVL, VND, VRE, GEX, HDB, VCI, VCB, SSI.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chưa ngừng rút vốn khỏi nhóm hóa chất. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã KBC, VHM, DGC, VNM, VJC, PC1, NLG, FUEVFVND, KDH.