Theo một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM, hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều cái khó cùng lúc. Bao gồm, khó dòng tiền để duy trì bộ máy hoạt động, khó về các dự án không thể triển khai đúng tiến độ do dừng công trình xây dựng, khó thủ tục pháp lý và một cái khó nữa là lãi suất ngân hàng vẫn phải đóng "đều đặn" hàng tháng.
Bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cho hay, thách thức lớn cho các doanh nghiệp BĐS hiện nay là dòng tiền để duy trì hoạt động, trong đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cho ngân hàng hàng tháng khi mà nguồn thu gặp khó khăn vì dịch. "Mặc dù Đại Phúc Land tỉ lệ vay nợ không quá lớn, tương đối thận trọng, tuy nhiên trong khó khăn chung thì áp lực là chung", bà Hương cho biết.
Vị CEO này cho rằng, dòng tiền của doanh nghiệp BĐS hiện nay cũng giống như oxy cho người bệnh. Nếu không có dòng tiền thì doanh nghiệp sẽ chết. "Và, nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra, thì doanh nghiệp BĐS sẽ giống như kiểu "chết trên đống tài sản, chưa kể trả nợ vay ngân hàng là cực kì nan giải", bà Hương nhấn mạnh.
Hiện tại, doanh nghiệp BĐS cần trợ lực để ổn định đi qua dịch bệnh. Theo bà Hương, với sức chống chịu đã vượt quá giới hạn của nhiều doanh nghiệp BĐS không khác thân cây trước gió bão, nên cấp thiết cần sự trợ lực thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách cũng như các gói hỗ trợ tài chính. Điều này giúp doanh nghiệp phục hồi và gắng sức trong chặng đường sắp tới còn gian nan khi dịch bệnh vẫn tồn tại.
Thực tế, đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần nhưng việc thực thi vẫn còn quá chậm, cần sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hơn. Đây được xem là giải pháp căn cơ, mang tính bền vững giúp doanh nghiệp đỡ mất sức lực, thời gian và lãng phí nguồn lực không đáng có. Chỉ cần giảm quy trình, giảm thời gian các bước thủ tục còn một nửa, mọi việc sẽ khác ngay.
"Các doanh nghiệp BĐS đóng góp khoảng 11% GDP cả nước và là lĩnh vực có liên quan đến hơn 200 ngành nghề khác nhau. BĐS có cơ hội vượt qua được đợt bão dịch bệnh Covid lần này cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế và phát triển của các ngành nghề liên quan. Một đồng ngân sách chi ra để giúp hồi phục nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ trả lại cho ngân sách 3 đồng, thậm chí 5 đồng trong tương lai. Đó cũng là lý do các nước đã chi ngân sách khủng chưa từng có để giảm thiểu tổn thất cho người dân, cho doanh nghiệp, giữ nền kinh tế ổn định để chờ cơ hội bật dậy và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát dịch bệnh", bà Hương chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, CEO DKRA Vietnam cho rằng, hiện nay 70% các doanh nghiệp BĐS, nhất là các sàn môi giới BĐS rơi vào tình trạng khó khăn vì dịch. Trong đó, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định, 90% doanh nghiệp ở trạng thái nguy cơ vì doanh thu dưới 10%.
Theo ông Lâm, dịch đã làm đảo lộn mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mở rộng hệ thống, tăng cường thị trường khác. Chỉ thị 16 giãn cách xã hội khiến hầu hết các doanh nghiệp BĐS ngưng hoạt động. Trong đó, trở lại lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí để hoạt động. Dù ngưng hoạt động nhưng nhiều chi phí doanh nghiệp vẫn phải chi trả, chẳng hạn như chi phí thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, lương nhân viên…, chưa kể, các doanh nghiệp môi giới còn gặp khó khăn trong vấn đề thu hồi công nợ từ chủ đầu tư, do các bên gần như đều khó khăn như nhau vì dịch.
"Kẹt vốn, kẹt nguồn tiền vận hành doanh nghiệp là tình trạng chung của các doanh nghiệp BĐS hiện nay. Chưa kể, trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ mất đi nguồn nhân sự lao động, khi vì khó khăn mà họ rời đi khỏi tổ chức", ông Lâm cho hay.
Đứng góc độ Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Lâm đưa ra những đề xuất dựa trên những ý kiến của doanh nghiệp BĐS. Thứ nhất, đề xuất được giảm tiền thuế cho doanh nghiệp BĐS, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, kiến nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp giãn nợ trả lãi vay, giúp doanh nghiệp có tài chính để ổn định hoạt động ở giai đoạn này.
Ngoài ra, theo ông Lâm, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bị tắc dòng tiền, ảnh hưởng nặng nề nên rất cần các gói vay với lãi suất ưu đãi để tiếp cận gói tài chính.
"Doanh nghiệp BĐS hiện nay cũng giống như nhiễm Covid-19, rất cần oxy là nguồn vốn, là chính sách để hỗ trợ vượt qua khó khăn lúc này", ông Lâm chia sẻ.