Thị trường trong nước giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp nhưng đã có những tín hiệu tích cực khi có triển vọng test vùng đáy tháng 5 thành công, qua đó có thể hình thành mô hình 2 đáy đảo chiều. VN-Index đóng cửa tuần thứ 26 của năm 2022 với 4 phiên giảm, 1 phiên tăng, mất đi 31,82 điểm tương đương 2,61% đóng cửa tại 1.185,48 điểm.
Thanh khoản tuần này giảm mạnh nhưng dòng tiền vẫn chọn được cơ hội đầu tư trên diện rộng dưới sự dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bảo hiểm, dầu khí,…
Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE giảm mạnh còn 12.950 tỷ đồng, giảm 21% so với tuần trước đó và giảm 15% so với trung bình 5 tuần trước đó, đây là giá trị giao dịch bình quân thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Trong tuần VN-Index trở lại vùng đáy của năm, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng nhằm nâng đỡ thị trường. Trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chưa ngừng rút vốn, họ bán ròng 513 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh thì họ xả ròng 669 tỷ đồng.
Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm thép, chứng khoán, bán lẻ trong tuần đỏ lửa
Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực cầu gia tăng mạnh mẽ đưa tài nguyên cơ bản trở lại vị trí dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, nhóm này được mua ròng 381 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này bị rút ròng 512 tỷ đồng.
Bên cạnh nhóm tài nguyên cơ bản, giao dịch mua ròng tập trung tại nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính và bán lẻ với giá trị vào ròng lần lượt là 274 tỷ và 226 tỷ đồng.
Theo quan sát, nhóm chứng khoán ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 0,22% so với tuần trước, là tuần có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng thứ 2 liên tiếp, chỉ số ngành tăng 1,72%.
Nhóm chứng khoán có sự khởi đầu tuần tiêu cực với đà giảm điểm từ tuần trước đó chuyển sang, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn phiên thứ Hai, nhưng ngay sau đó có sự hồi phục mạnh mẽ khi lực bán suy yếu. Theo quan sát, nhóm chứng khoán đã duy trì được giao dịch tích cực 4 phiên gần đây.
Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm chứng khoán vẫn đang ở mức thấp trong vòng 1 năm và tiếp tục phân kỳ với chỉ số giá kể từ 21/6 cho thấy cung của nhóm cổ phiếu này đã giảm mạnh và lực cầu nhỏ cũng đủ để đẩy giá tăng.
Chỉ số dòng tiền nhóm này trong mối tương quan với thị trường, ngược lại, đang ở mức sát cao nhất trong vòng 1 năm cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn thị trường.
Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng mạnh nhất 358 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm và đồ uống, theo sau xả ròng lần lượt một số nhóm như hàng & dịch vụ công nghiệp (312 tỷ đồng), ngân hàng (284 tỷ đồng).
Với việc giá dầu giảm mạnh trong trong tuần khi nhà đầu tư lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ giữa lúc Fed nâng lãi suất, nhóm cổ phiếu họ dầu khí trong nước cũng ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm. Trong đó, các mã như PVS, PVD, PVC hay BSR đều giảm mạnh 14 - 21%. Dù vậy, cổ phiếu ngành điện, nước, xăng dầu khí đốt vẫn thu hút lực cầu cá nhân nội với giá trị 226 tỷ đồng,...
Tâm điểm mua ròng HPG, trong khi xả mạnh STB, VNM
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần 20 - 24/6.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 496 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trái ngược so với lực xả hơn 541 tỷ đồng trong tuần trước. Trên thị trường, HPG đã giảm 6% giá trị trong tuần qua về mức 21.800 đồng/cp, thuộc Top5 mã tác động tiêu cực lên VN-Index.
Tương tự, giao dịch bán ròng cũng tìm đến VND và MWG với giá trị lần lượt là 218 tỷ và 203 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng vốn cá nhân gom nhẹ hơn mã DIG (127 tỷ đồng), đồng thời nhóm này mua ròng dưới trăm tỷ đồng các cổ phiếu DGC, VHM, SSB, SSI, VCB và DCM.
Trái lại, tại chiều bán, lực xả lớn nhất lại được ghi nhận tại đại diện STB của nhóm ngân hàng với gần 205 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của khối tự doanh và NĐT nước ngoài, STB tăng giá 1,7% và là mã đóng góp cho VN-Index với 0,5 điểm tăng.
Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Sacombank, VNM của Vinamilk cũng chịu lực xả ròng gần 203 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự cổ phiếu GAS cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị 188 tỷ đồng.
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của CTG (154 tỷ đồng), VHC (136 tỷ đồng), VGC (126 tỷ đồng), REE (120 tỷ đồng), FPT (110 tỷ đồng) và HSG (77 tỷ đồng).