Thông tin được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck xác nhận hôm 4-4, theo hãng tin Bloomberg. Cụ thể, Đức đang tạm thời kiểm soát chi nhánh Gazprom Germania thuộc Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cho đến ngày 30-9.
"Chúng tôi đang làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức"- Bộ trưởng Kinh tế Habeck nhấn mạnh - "Chúng tôi không cho phép các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Đức tuân theo các quyết định của phía Điện Kremlin".
Hiện tại cơ quan quản lý năng lượng Đức sẽ đảm nhiệm vai trò của một cổ đông và có thể thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung khi đốt. Do đó, cơ quan quản lý năng lượng Đức được phép sa thải các thành viên quản lý và bổ nhiệm những người mới.
Chính phủ Đức sẽ không nắm quyền sở hữu chi nhánh Gazprom Germania thuộc Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga. Tuy nhiên, theo Bloomberg, chưa rõ điều gì xảy ra sau ngày 30-9.
Các công ty con của Gazprom ở châu Âu đang phải chịu áp lực khi khách hàng và đối tác kinh doanh từ chối hợp tác. Trong bối cảnh đó, Gazprom hôm 1-4 cho biết họ không còn sở hữu công ty con ở Đức sau khi Berlin than phiền về yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Kinh tế Habeck nói việc Gazprom đã rời khỏi công ty con ở Đức mà không xin phép chính quyền đã vi phạm luật ngoại thương của Berlin.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhấn mạnh sẽ làm mọi cách để bảo vệ nguồn cung khí đốt của Đức. Ảnh: Reuters
Đức là quốc gia ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây đối với Nga kể từ khi xảy ra xung đột Moscow - Kiev hôm 24-2.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu của Nga khiến Đức cho đến nay vẫn phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với dầu khí của Moscow.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang ngày thứ 41 và dù đôi bên đã có nhiều cuộc đàm phán hòa bình nhưng xem ra căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kể từ khi xảy ra xung đột, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tung loạt đòn trừng phạt nhắm vào Nga cũng như giới tinh hoa của nước này.
Đáp lại, phía Moscow cũng đã tung ra nhiều cú "phản đòn tương ứng", trong đó có việc buộc các nước "không thân thiện" phải thanh toán mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.
Theo Bloomberg, động thái này của Nga là một trong những nguyên nhân giúp đồng rúp phục hồi trở lại gần như mức trước khi bị trừng phạt, khi đạt 85 rúp đổi 1 USD vào cuối tuần trước.