8 năm sau khi Trung Quốc đặt quyết tâm triển khai dự án đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, chương trình thử nghiệm của ngân hàng trung ương nước này dành cho đồng nhân dân tệ số đã được mở rộng ra 23 thành phố cùng độ phủ gần 1/5 dân số, theo Nikkei.
Dù vậy, việc triển khai chính thức đồng nhân dân tệ số vẫn khó xác định được do nhóm dân số đã sử dụng các phương thức thanh toán di động như Alipay hay WeChatPay không có lý do để từ bỏ các ứng dụng quen thuộc của họ.
“Tôi có thể thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ số ở quán ăn gần nhà”, Lin, chủ sở hữu một công ty xử lý thực phẩm tại Phúc Châu, Trung Quốc, nói. “Nhưng nó không khác gì thanh toán di động cả”.
Tại một cuộc họp hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nâng số lượng thành phố tham gia vào chương trình thí điểm đồng nhân dân tệ số lên gấp đôi. Tại các thành phố này, người dân có thể mua sắm và di chuyển bằng phương tiện công cộng với đồng tiền nói trên. Phúc Châu, cùng Thiên Tân, Trùng Khánh và Hàng Châu nằm trong danh sách các thành phố được bổ sung.
PBoC bắt đầu nghiên cứu đồng tiền số do ngân hàng trung ương phát hành vào năm 2014 và triển khai chương trình thí điểm vào tháng 10/2020 tại Thâm Quyến. Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, 216 triệu người, tương đương 20% dân số Trung Quốc, đã tạo ví điện tử trên ứng dụng của ngân hàng trung ương.
“Chúng tôi đã vượt qua được các thách thức như độ trễ trong xử lý thông tin thanh toán”, một cán bộ ngân hàng trung ương nói.
Dù vậy, hiện chưa rõ đến khi nào đồng nhân dân tệ số mới chính thức được triển khai. Trước đó, một số nguồn tin nói rằng đồng tiền này sẽ đi vào hoạt động thích thức sớm nhất vào tháng 2 năm nay, xung quanh thời điểm Olympic mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh.
Đồng nhân dân tệ số không thể tạo ra được tiếng vang lớn một phần do người dùng không thấy nhiều sự khác biệt giữa nó và các ứng dụng thanh toán di động khác. Trung Quốc có vấn đề lớn liên quan đến vấn nạn hoá đơn ảo và khoảng 80% các giao dịch bán lẻ ở nước này được thực hiện qua các ứng dụng như WeChatPay hay AliPay, theo một ước tính.
Đồng nhân dân tệ số dù vậy có một số lợi thế hơn so với các ứng dụng trên. Các nhà bán lẻ không phải trả phí khi dùng đồng nhân dân tệ số. Giao dịch có thể được thực hiện không cần đến internet nhờ cổng giao tiếp tầm gần (NFC). Điều này được đánh giá là tiện lợi và tích cực trong các tình huống cực đoan như thảm hoạ tự nhiên.
Tuy nhiên, tất cả vẫn là chưa đủ để thuyết phục người dân từ bỏ các ứng dung mà họ đã quen dùng. Trong cuộc họp vào tháng 3, PBoC cho biết vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu để tăng tính tiện dụng và sáng tạo của đồng nhân dân tệ số.
Đồng nhân dân tệ số được xem là một công cụ quan trọng đối với Trung Quốc nhất là đối với các nền kinh tế mạnh khác như Mỹ. Toàn cầu hoá đồng tiền của quốc gia này, bằng cách nới lỏng hạn chế và khuyến khích thanh toán bằng đồng nhân dân tệ số, được xem là then chốt đối với an ninh kinh tế quốc gia tỷ dân, Nikkei nhận định.
Lúc này, một số nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu đưa vào hoạt động các đồng tiền mã hoá do ngân hàng trung ương phát hành. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) cũng đã bắt đầu quá trình thử nghiệm.
“Đây không phải một điều xa vời để có thể được hiện thực hoá trong 10 năm tới”, giáo sư Masashi Makajima, một chuyên gia trong lĩnh vực này của Đại học Reitaku, nói.
BoJ bắt đầu nghiên cứu tiền mã hoá do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) từ năm 2020. Hồi tháng 3, BoJ đã đóng lại quá trình đầu tiên trong tổng số 3 giai đoạn của dự án với các chức năng cơ bản như phát hành và chuyển tiền. Giai đoạn 2 sẽ đưa vào thử nghiệm các tính năng như hạn mức sở hữu, tần suất giao dịch và khối lượng giao dịch.
Đồng CBDC sẽ giúp giảm thiếu chi phí phát hành tiền giấy và “đào” tiền mã hoá. Bên cạnh đó, các đồng CBDC cũng giúp giảm rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính hơn so với tiền mã hoá thông thường.
Campuchia và Bahamas cũng đã kết thúc thử nghiệm CBDC vào năm 2020 và chính thức triển khai loại tiền tệ này. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu muốn ra mắt đồng Euro số vào năm 2026.