Thông tin cập nhật từ Bloomberg News và tài liệu họp cổ đông thường niên vừa được Masan Group công bố cho thấy công ty con Masan Consumer Holdings (UpCom: MCH) đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), dự kiến huy động 1 - 1,5 tỷ USD vào đầu năm sau.
Hiện Masan Consumer Holdings đang niêm yết trên UpCom nhưng thanh khoản thị trường này rất thấp. Theo chuyên gia từ HSBC, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE có thể giúp cổ phiếu công ty cải thiện tính thanh khoản.
Nhà phân tích nhận định, kế hoạch này có thể được thúc đẩy bởi đà tăng giá gần đây của MCH, với vốn hóa thị trường hiện tại là 4 tỷ USD, cao hơn cả vốn hóa thị trường của chính Masan Group (3,8 tỷ USD).
Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) năm ngoái của MCH cao hơn 9% so với EBITDA của mảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Masan, do không bao gồm khoản lỗ từ liên doanh bia với Singha (chưa niêm yết) và liên doanh thịt chế biến với Jinju (chưa niêm yết).
Mặt khác, MCH có lịch sử lợi nhuận biên cao và tăng trưởng lợi nhuận ổn định, vượt trội đáng kể so với các công ty cùng ngành FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu và EPS của MCH trong 5 năm qua lần lượt là 10,7% và 15,4%.
Ban đầu, ban lãnh đạo Masan đặt mục tiêu IPO cho The CrownX vào năm 2024 hoặc 2025, theo Reuters đưa tin tháng 4/2023. Nếu việc niêm yết của Masan Consumer thành công, HSBC cho rằng điều này có thể đẩy lùi thời gian IPO của The CrownX.
Nhà phân tích lưu ý The CrownX không chỉ sở hữu Masan Consumer mà còn sở hữu cổ phần trong WinCommerce - mảng bán lẻ của Masan Group. Đây là một doanh nghiệp giai đoạn đầu với nhu cầu đầu tư lớn để mở các cửa hàng mới và chỉ vừa mới đạt đến điểm hòa vốn về lợi nhuận ròng. Do đó, định giá hợp lý của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các giả định trong tương lai về biên lợi nhuận ổn định.
“Vì vậy, ban lãnh đạo có thể cảm thấy rằng việc niêm yết Masan Consumer, vốn đã có lợi nhuận biên rất cao hiện nay, có thể dễ dàng được thị trường chấp nhận hơn so với WinCommerce”, nhà phân tích từ HSBC viết.
Năm ngoái, Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.066 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Chiến lược “Go Global” của Masan Consumer Holdings với điểm nhấn là thương hiệu Chin-su được tập đoàn đánh giá là mang lại tín hiệu khả quan. Doanh thu xuất khẩu tăng gần 14% so với cùng kỳ lên 1.005 tỷ đồng.
Thời gian tới, nhằm tăng tốc quá trình đổi mới sản phẩm và nâng cao tỷ lệ thành công, Masan Consumer Holdings sẽ triển khai mô hình ra mắt sản phẩm mới trên hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị WinCommerce và các kênh digital.
Năm nay, Masan Consumer Holdings đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân.
Bên cạnh các sản phẩm, ngành kinh doanh chủ chốt, Masan Consumer Holdings đang phát triển các năng lực và quy trình đổi mới nhằm hoàn thiện danh mục FMCG trong tương lai.