Thời sự

Đơn hàng quay trở lại: Nhiều doanh nghiệp kín việc đến hết quý II

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ công nhân viên của Công ty Cổ phần Giày Ngọc Hà đã bắt tay vào công việc với một khí thế khẩn trương. Có được lượng đơn hàng sớm ngay từ đầu năm là nhờ những nỗ lực mở rộng thị trường từ cuối năm 2023 của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giày Ngọc Hà cho hay.

Là một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm giày, dép da xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, ông Phương từng có thời gian lao đao vì thiếu vắng đơn hàng trong những tháng đầu năm 2023. Những tháng cuối năm, cùng với nhu cầu hồi phục từ các nước châu Âu và nỗ lực mở rộng thị trường, đơn hàng của công ty đã quay trở lại.

“Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II. Vì vậy, tâm lý 'tháng Giêng là tháng ăn chơi' đã hoàn toàn bị loại bỏ. Hiện doanh nghiệp đang tập trung hoạt động hết công suất để thực hiện các đơn hàng này”, ông Phương chia sẻ.

Trong lĩnh vực dệt may, ngay cả những doanh nghiệp lâu đời như May 10 cũng phải chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế.

 Dây chuyền may veston của May 10 tại Hưng Hà, Thái Bình. (Ảnh: May 10).

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết để đối phó với những bất định trong kinh tế thế giới năm 2024, ban lãnh đạo May 10 phải tập trung tìm kiếm đơn hàng, lo đủ việc làm cho người lao động.

Đồng thời, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh, tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.

"Năm nay, May 10 quyết tâm đạt thành tích cao với mục tiêu doanh thu tăng 6,6% so với năm 2023", ông Việt nói.

May mắn là quý I, nền kinh tế đã có tín hiệu tốt hơn, sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, sự giảm nhanh của lạm phát. "Thời điểm hiện tại chúng tôi đã có đơn hàng hết tháng 4”, Tổng Giám đốc May 10 thông tin.

Tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy dấu hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm % vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai… Chỉ có ba địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP thấp là Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La.

Ngành sản xuất đang phục hồi cũng thể hiện ở chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Trong tháng đầu tiên của năm 2024, PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Mức tăng trưởng không cao, nhưng đủ cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng.

Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng. Các nhà sản xuất đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng sản lượng trong năm 2024, với hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện hơn nữa.

Đánh giá về sự chuyển biến tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng đầu năm, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực.

Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng. Bởi, trong khu vực sản xuất của Việt Nam, tăng trưởng sản lượng chủ yếu tập trung vào các nhà sản xuất hàng hóa trung gian. Đặc biệt, tồn kho hàng mua giảm mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

 "Vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có thể hiện sự quay trở lại bền vững của tăng trưởng hay không", ông Andrew Harker nhận xét.

 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để đánh giá sự chuyển biến của kinh tế Việt Nam chính xác thì cần có số liệu của quý I, hoặc ít nhất là 2 tháng đầu năm 2024, còn nếu so sánh tháng 1/2024 với tháng 1/2023 là khập khiễng.

Thực tế, năm 2023, tháng đầu tiên rơi vào dịp Tết Nguyên đán với ngày nghỉ dài và số ngày làm việc ít, trong khi năm nay thì rơi vào tháng sát Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sôi động và khẩn trương hơn. Vì vậy, sẽ có những số liệu khác vênh nhau do mang tính mùa vụ như chỉ số sản xuất công nghiệp.

Bộ Công thương cũng đánh giá, kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm, nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục cùng, việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, và thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...nhằm thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm