Cụ thể, tới nay Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 nước gồm: Trung Quốc (thiết lập năm 2008); Nga (2012); Ấn Độ (2016); Hàn Quốc (2022); Mỹ (2023); Nhật Bản (2023); Úc (2024); Pháp (2024); Malaysia (2024); New Zealand (tháng 2.2025); Indonesia (tháng 3.2025) và Singapore (tháng 3.2025).

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tháng 10.2022
Ảnh: TTXVN
Như vậy, Việt Nam đang có quan hệ cấp đối tác chiến lược trở lên với cả 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mà trong đó có đến 4 nước là Đối tác chiến lược toàn diện (Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pháp). Xét trong nội bộ ASEAN, Việt Nam có quan hệ cấp chiến lược trở lên với 7 trong số 9 thành viên còn lại của khối. Trong đó, Việt Nam là Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Singapore trong ASEAN. Qua mối quan hệ hợp tác ở cấp độ cao như vậy với hầu hết thành viên ASEAN, Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong khối.
Với Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng ngày càng thể hiện vị thế quan trọng. Tháng 10.2022, Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tại sự kiện này, Việt Nam được các thành viên của ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của khối cho vị trí trên. Song hành, Việt Nam còn kết nối với các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do, nổi bật có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Nhân dịp này, trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ các đánh giá về Việt Nam.
Khéo léo khai thác cơ hội
Để có được đất nước thống nhất, người dân Việt Nam đã phải hy sinh to lớn trước những tác động của thời cuộc. Sau chiến tranh, Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập vào khuôn khổ ASEAN, đồng thời thận trọng cân bằng các mối quan hệ song phương cũ lẫn mới và cả các cường quốc ngoài khu vực.

GS Yoichiro Sato
Ngày nay, không chỉ có nền kinh tế đang phát triển thu hút các khoản đầu tư thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, Việt Nam cũng khéo léo khai thác các cơ hội trong sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.
GS Yoichiro Sato (Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản)
Cơ hội để tiến tới
Môi trường chiến lược quốc tế xung quanh Việt Nam đã thay đổi đáng kể kể từ sau năm 1975. Ngày nay, Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với cả Mỹ lẫn Trung Quốc ngay cả khi hai nước này đang cạnh tranh quyết liệt. Dựa trên bản sắc ngoại giao riêng, Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ ổn định với các cường quốc và thể chế lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Nga, Nhật Bản, Úc và ASEAN.

GS Kei Koga
Song song với việc luôn theo đuổi lợi ích quốc gia của mình bằng cách tiến hành chiến lược phòng ngừa, thì mối quan hệ tốt với tất cả các cường quốc khu vực giúp Việt Nam đóng vai trò lớn hơn giữa sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn - đặc biệt là bằng cách tăng cường hợp tác với các cường quốc tầm trung khác và thông qua các định chế khu vực như ASEAN.
Dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất này là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tiến thêm một bước nữa để đóng vai trò chủ động trong việc ổn định khu vực.
GS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công, Trường Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)
Ngôi sao của nhiều nước
Trong 50 năm qua, Việt Nam là ngôi sao của nhiều nước trên thế giới. Bởi vì Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, với cả các cường quốc, rồi đều chiến thắng, giữ vững nền độc lập, ghi dấu thành tựu đáng chú ý. Tiếp đó, Việt Nam đã phát triển kinh tế, từ một nước nghèo thì giờ đây trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong nhóm đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đây là giấc mơ của nhiều quốc gia khác. Vì thế, Việt Nam hiện là hình mẫu mà nhiều nước mong muốn.

TS Satoru Nagao
Trong lịch sử, Việt Nam đã bị tác động không nhỏ bởi những cạnh tranh giữa các nước lớn. Nhưng nhiều năm qua, Việt Nam tìm cách duy trì lập trường không liên minh. Để duy trì độc lập, Việt Nam đã thực sự duy trì sự tự chủ trước các cường quốc. Và chính sách này có hiệu quả như một biện pháp an ninh cho Việt Nam.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đã phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Nhưng Việt Nam đã vượt qua khó khăn như vậy và đạt thành tựu to lớn, hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế. Điều đó chứng minh các chính sách của Việt Nam đã phát huy tác dụng rất tốt, mà nền tảng có lẽ đến từ sự nỗ lực, đoàn kết và lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Thịnh vượng và thách thức
50 năm qua mang tính chuyển đổi đối với Việt Nam khi xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, tiếp tục gia tăng sự thịnh vượng cho người dân, ổn định chính trị và có chính sách ngoại giao hiệu quả trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế. Trong đó, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với cựu thù là Mỹ, trở thành thành viên có uy tín của ASEAN và Liên Hiệp Quốc. Sự chuyển đổi này tiếp tục mang lại thành quả cho người dân Việt Nam.

GS Stephen Robert Nagy
Thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại như RCEP và CPTPP, Việt Nam đã chứng minh cam kết giao thương với tất cả các quốc gia.
Sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức mà nhiều nước cũng đang đối mặt như tỷ lệ sinh thấp, sự thay đổi chuỗi cung ứng và quan hệ đối ngoại. Việc Việt Nam đầu tư vào giáo dục, tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực và toàn cầu như EU và Nhật Bản sẽ giúp ích giải quyết các thách thức, nhưng có lẽ vẫn cần thêm những bước đi để giải quyết một số vấn đề khác về đối ngoại, nhất là cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, để phát triển hơn nữa, Việt Nam cũng tăng cường phát triển về trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong dài hạn.
GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Hệ thống chính trị bền vững
Năm nay, Việt Nam không chỉ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất mà còn kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Đây là dịp đáng chú ý, đánh dấu sự bền vững và ổn định của hệ thống chính trị của đất nước. Mặc dù gặp phải nhiều biến động trong lịch sử, Việt Nam vẫn tìm được cách để tiến triển về cả kinh tế và chính sách đối ngoại.

PGS Ekaterina Koldunova
Vào những năm 1990, Việt Nam đã thay đổi chính sách đối ngoại, thúc đẩy sâu hơn vào quá trình hội nhập khu vực. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN nên năm nay cũng là một dấu ấn khác của Việt Nam khi tham gia ASEAN trong 30 năm. Suốt khoảng thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc áp dụng các thông lệ tốt nhất của hội nhập khu vực.
Hơn nữa, sau khi đạt được khá nhiều thành tựu ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã bắt đầu phát triển phạm vi tiếp cận toàn cầu về chính sách đối ngoại. Một trong những dấu ấn của quá trình này là việc có hàng loạt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước lớn. Tất nhiên, để phát triển mối quan hệ bền chặt với các đối tác quốc tế đa dạng như vậy, Việt Nam sẽ phải phát triển hơn nữa năng lực chính sách đối ngoại và khả năng cân bằng giữa các cường quốc và điều hướng các mối quan hệ quốc tế phức tạp.
PGS Ekaterina Koldunova (Khoa Nghiên cứu châu Á - châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow - MGIMO, Nga)