Có thể nói, tháng 7 và 8 năm 2021 là thời điểm cực kỳ khó khăn cho tất cả doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp đóng đô và có thị trường chủ lực ở 2 thành phố lớn là TP.HCM cùng Hà Nội. Cho dù là doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thiết yếu như KIDO Group vẫn không thoát khỏi tác động vô cùng tiêu cực của giai đoạn giãn cách chặt chẽ nhất kể từ đầu đại dịch.
Tại ĐHCĐ bất thường của Tập đoàn KIDO ngày hôm nay – 20/9, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát của công ty.
Theo đó, tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của KIDO vẫn hết sức khả quan: doanh thu thuần 4.888 tỷ đồng – tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 42,5% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế - 337 tỷ đồng – tăng 48% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2020, đạt 42,1% kế hoạch.
Ngành dầu ăn mang về 4.044 tỷ đồng – tăng 36% so với cùng kỳ, lãi gộp 496 tỷ đồng – tăng 27% so với cùng kỳ. Ngành hàng thực phẩm có doanh thu thuần 843 tỷ đồng – tăng 23%; lãi gộp 445 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
"Trong suốt đại dịch vừa qua, dù là thực phẩm thiết yếu song ngành dầu ăn vẫn gặp một vài khó khăn nhất định – đặc biệt là về nguyên liệu.
Như chúng ta đã biết, hầu hết nguyên liệu sản xuất của ngành dầu ăn Việt đều nhập khẩu. Covid-19 khiến ngành logistics của thế giới gặp nhiều trắc trở, không những giá tăng cao mà tần suất lẫn khối lượng vận chuyển giảm rất nhiều so với trước đây. Giá nguyên liệu thô cũng tăng đột biến, ví dụ: giá dầu cọ tháng 3/2020 là 663 USD/tấn, sang tháng 8/2021 đã tăng lên 1.136 USD/tấn, tăng gần 80%.
Tuy nhiên, vì Ban lãnh đạo của Tập đoàn đã lường trước được vấn đề, nên đã có những giải pháp để giúp mình vẫn đủ nguyên liệu sản xuất. Như tăng bồn chứa tại 3 nhà máy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mà thành phố Vinh – Nghệ An để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Điều tiết nguyên liệu hợp lý, cân bằng nguồn cung trong và ngoài nước. Về logistics: kết hợp với các đối tác có nguồn lực mạnh, để họ có thể đảm bảo phần vận chuyển nguyên vật liệu từ nước ngoài đến nhà máy KIDO đầy đủ theo kế hoạch sản xuất", bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO
Về kênh phân phối: hiện tại, KIDO đang trực tiếp phân phối hàng hóa cho các công ty con như dầu Tường An, KIDO Foods, Vocarimex… nên họ có thể chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thị trường. Hiện KIDO đang làm việc với 160 nhà phân phối và 10 trạm trung chuyển, nên vẫn hết sức chủ động trong việc bán hàng hay tham gia bình ổn giá, giúp nguồn cung không bị đứt gãy.
"Nói chung, vì chúng tôi đã tiên liệu và đưa ra những giải pháp sản xuất – kinh doanh – phân phối cho từng kịch bản cụ thể trước đó; nên khi thị trường biến động lớn, chúng tôi có thể chủ động ứng phó theo kế hoạch, nên không gặp nhiều khó khăn lắm’, bà Xuân Liễu khẳng định.
Và đúng như Ban lãnh đạo của KIDO tiết lộ, dù 2 tháng qua, thị trường vô cùng căng thẳng do đợt giãn cách chặt chẽ và kéo dài lâu nhất từ khi đại dịch bùng phát, song doanh thu của họ vẫn ổn định, nhờ ngành hàng chính là dầu ăn thuộc loại thực phẩm thiết yếu, không thể thiếu ở mỗi gia đình.
8 tháng đầu năm 2021: doanh thu thuần của Tập đoàn KIDO đạt 6.647 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 355 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước(chỉ số kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của Tập đoàn KIDO đã được kiểm toán, song 8 tháng đầu năm thì chưa). Doanh thu thuần từ ngành hàng dầu ăn chiếm 82,3% và ngành hàng lạnh chiếm 17,4%, các ngành hàng thực phẩm khác 0,3%.
Tuy nhiên, lợi nhuận của KIDO trong 2 tháng vừa qua đã bị bào mòn đi không ít. Trong 2 tháng 7 và 8/2021, mặc dù doanh thu mang về tới 1.759 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế thu lại chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm chỉ tăng 5,3% so với 6 tháng đầu năm.
Dù số liệu này có phần bất thường so với tình hình kinh doanh của KIDO trong vài năm gần đây, song nhìn vào thị trường chung thì có thể cảm thông được. Như chúng ta thấy ở trên, ngành dầu ăn đang chiếm tới 82,3% doanh thu của Tập đoàn KIDO, trong Covid-19; mà tất cả các chi phí ở ngành này đều gia tăng mạnh, từ sản xuất – phân phối, nên không ngạc nhiên khi lợi nhuận của KIDO ngày càng giảm.
Với hình thức sản xuất 3 tại chỗ, chắc chắn chi phí nhân công của KIDO sẽ gia tăng, chi phí vận chuyển cũng gia tăng rồi giá nguyên liệu cũng tăng trong khi họ không tăng giá, còn tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM; khiến lợi nhuận của họ giảm mạnh.
Trong 4 tháng còn lại, KIDO hẳn phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2021: doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng; tương đương tăng 38% cùng 91,5% so với năm 2020.
Ngoài việc TP.HCM và Hà Nội sẽ dần nới lỏng giãn cách, thì hy vọng khởi sắc trở lại của KIDO trong thời gian sắp tới, theo CEO Trần Lệ Nguyên, còn dựa vào việc họ chính thức mở các cửa hàng Chuk Chuk cũng như ra mắt thêm các loại snack và bánh mới.
Vào ngày 24/9, KIDO sẽ mở 2 cửa hàng tại quận 1 và quận Bình Thạnh, đồng thời chính thức mở bán các sản phẩm của Chuk Chuk trên các app như GrabFood và Shopee Food. Vào đầu tháng 10, KIDO sẽ tiếp tục khai trương các quán khác trong chuỗi Chuk Chuk.