Ngày 17/09/2021, Tim Cook đã tiến hành đối thoại với người lao động trong một cuộc họp toàn thể nhân viên trước những thắc mắc về chế độ lương bổng và một số vấn đề nhạy cảm khác.
Trong tháng qua, hơn 500 nhân viên của Apple đã gửi các bằng chứng về quấy rối tình dục, gây khó khăn và phân biệt đối xử tại nơi làm việc cho một nhóm hoạt động có biệt danh #AppleToo.
Nhóm này đã đăng một số câu chuyện lên mạng và khuyến khích các nhân viên này liên hệ với nhà chức trách của tiểu bang và liên bang để giải quyết khiếu nại.
Tim Cook và Deirdre O’Brien (giám đốc nhân sự của Apple) cho biết sau cuộc họp ngày 17/09, ban lãnh đạo công ty thường xuyên xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo trả lương cho nhân viên một cách công bằng.
Apple đã thông tin đến báo chí rằng nhân viên công ty có quyền "tự do nói về tiền lương, giờ làm hoặc điều kiện làm việc của họ".
Tuy nhiên, các câu hỏi về các bước đi cụ thể mà Apple sẽ thực hiện để đảm bảo rằng chênh lệch tiền lương được giải quyết và ngày càng nhiều phụ nữ, người da màu nên được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo chưa được trả lời thỏa đáng.
Nhóm hoạt động có biệt danh #AppleToo đăng một số câu chuyện quấy rối tình dục lên mạng và khuyến khích các nhân viên liên hệ với pháp luật
Apple trước nay được xem là một công ty kín tiếng hàng đầu thung lũng Silicon. Các nhân viên được yêu cầu "giữ khoảng cách" với báo chí và các phương tiện truyền thông, thậm chí kín tiếng với cả đồng nghiệp. Thông lệ này được định hình từ thời Steve Jobs. Tuy nhiên, nó đang bị lung lay bởi các bức xúc đến từ nội bộ.
Năm nay, khi Apple thuê Antonio García Martínez, một cựu quản lý của Facebook, thì hơn 2.000 nhân viên đã ký một lá thư phản đối gửi đến ban lãnh đạo vì những gì họ gọi là "những định kiến công khai về phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính" trong một cuốn sách mà anh ấy đã viết. Trong vòng vài ngày, Apple đã sa thải người này.
Một kênh Slack của công ty được thành lập nhằm thúc đẩy các nỗ lực khiến Apple linh hoạt hơn trong việc sắp xếp công việc từ xa cho 7.500 nhân viên sau đại dịch. Slack đã trở thành một công cụ tổ chức quan trọng cho người lao động từ năm 2019.
Apple còn đang đối mặt với các khiếu nại cá nhân lọt vào tầm ngắm của báo chí. Thậm chí, họ có thể vướng vào cuộc chiến pháp lí.
Nổi bật trong số đó là trường hợp của Ashley Gjovik - cựu giám đốc chương trình kỹ thuật của Apple. Trong sáu năm, cô đã phàn nàn với lãnh đạo Apple trong nhiều tháng về vấn đề an toàn lao động không được đảm bảo, cũng như những nhận xét phân biệt giới tính từ một lãnh đạo cao hơn.
Sau khi công khai những lời phàn nàn của mình với báo giới, Gjovik đã bị sa thải vì lí do làm rò rỉ thông tin sản phẩm và không hợp tác với cuộc điều tra của hãng. Cô ấy đã nộp đơn khiếu nại đến một loạt các cơ quan như Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng và Bộ Tư pháp.
Theo Nikkei Asian, bà Dehus - cựu nhân viên, cho biết bà đã rời Apple sau vài năm đấu tranh với các quyết định giao việc mà bà phải làm nhiều việc hơn với mức lương thấp hơn.
Tương tự, ông Dahan – cựu nhân viên thông dịch da màu bị từ chối thăng tiến vì bị cấp trên đánh giá ông hay phàn nàn, bất chấp trước đó ông đã bị khước từ yêu cầu cung cấp các hỗ trợ cần thiết để làm việc phù hợp với luật pháp liên bang.
Tim Cook và ban lãnh đạo Apple đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn nhân sự chưa từng có trong lịch sử tập đoàn, xuất phát từ những bê bối mang do tư duy điều hành "già cỗi" của một công ty công nghệ hàng đầu thế giới.