Doanh nghiệp

Doanh nhân Việt Nam thú vị nhất Đông Nam Á: Lạc quan trong cẩn trọng, 9/10 đang quan tâm đến việc mở rộng sang nước ngoài – đặc biệt là thị trường Thái Lan

Doanh nhân Việt Nam lạc quan hơn nhưng cũng cẩn trọng hơn đồng nghiệp trong khu vực

UOB vừa phát hành khảo sát mang tên Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024. Tại Việt Nam, họ đã tiến hành khảo sát 525 chủ DN và CEO của SMEs và DN lớn. Hình thức khảo sát là trực tuyến dài 15 phút và hầu hết DN có doanh thu dưới 5.500 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy: 79% doanh nhân Việt Nam 'cảm thấy lạc quan' về tình hình kinh doanh năm nay, 47% 'đặc biệt tích cực'; trong khi Trung Quốc đại lục chỉ là 43%, Thái Lan là 17%... 2/5 DN tại Việt kỳ vọng hiệu suất kinh doanh của họ sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2024. 

Cụ thể, 37% tin rằng hiệu suất kinh doanh của công ty mình sẽ được 'cải thiện mạnh mẽ', 51% cho rằng sẽ 'cải thiện tương đối'. Lĩnh vực có DN lạc quan nhất là dịch vụ - kinh doanh với 44%, thương mại – buôn bán là 43%.

Tuy nhiên, họ cũng rất lo lắng về nhiều khó khăn ở phía trước. Theo đó, lạm phát cao, biến động giá cả hàng hóa và thị trường chỉ mới hồi phục sau giai đoạn suy thoái kinh tế là 3 yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến hoạt động của DN Việt trong năm 2024. 3 yếu tố trên có tỷ lệ khảo sát lần lượt là 39%, 34%, 34%; ngoài ra, nỗi lo tăng chi phí vận hành chiếm 31% và tăng lãi suất chiếm 24%.

Doanh nhân Việt Nam thú vị nhất Đông Nam Á: Lạc quan trong cẩn trọng, 9/10 đang quan tâm đến việc mở rộng sang nước ngoài – đặc biệt là thị trường Thái Lan- Ảnh 1.

Ông Lim Dyi Chang – Giám đốc Khối ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam

"Như chúng ta thấy, quan ngại về chi phí chiếm 4/5 nỗi lo lớn nhất của chủ DN Việt. Trong khu vực Đông Nam Á, DN Việt là những người lo lắng nhiều nhất về vấn đề lạm phát.

Theo quan sát của tôi, doanh nhân Việt Nam lúc nào cũng chuẩn bị cho ngày mưa bão, dù doanh số đang tốt nhưng vẫn quan ngại về tương lai. Họ lạc quan hơn nhưng cũng cẩn trọng hơn, nói chuyện cân bằng hơn các đồng nghiệp trong khu vực. Các doanh nhân Việt Nam mà tôi gặp thường rất chân thành, họ sẽ chia sẻ cả điểm mạnh và điểm chưa mạnh của DN mình, để người nghe có một bức tranh toàn cảnh về DN – thị trường chung.

Còn các doanh nhân Đài Loan thường chỉ nói về điểm mạnh - điểm tích cực mà ít chia sẻ điểm chưa tốt của DN mình. Vậy nên, theo quan điểm của tôi, giới doanh nhân Việt Nam là thú vị nhất Đông Nam Á!", ông Lim Dyi Chang – Giám đốc Khối ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nêu cảm nhận.

Đáp lời, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI TP.HCM giải thích thêm: "Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam gấp đôi GDP. Việt Nam cũng đang có 19 FTA – đây là cơ hội lớn của các DN Việt nhưng đồng thời cũng cho thấy nền kinh tế của chúng ta rất mở.

Vậy nên, nền kinh tế Việt Nam luôn chịu tác động lớn từ bên ngoài: việc đồng USD tăng sẽ khiến giá nhập khẩu nguyên vật liệu tăng, chiến tranh không chỉ khiến vấn đề logistics gặp nhiều khó khăn hơn và giá cũng cao hơn, kéo theo nhập khẩu hay xuất khẩu đều bị ảnh hưởng lớn và xấu".

So sánh một chút, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Indonesia chỉ bằng 41% GDP và DN nước này sống chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước, nên nền kinh tế và DN của nước này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các 'rung lắc' địa chính trị trên khắp thế giới. Các doanh nhân Việt Nam có nhiều nỗi lo hơn đồng nghiệp trong khu vực cũng dễ hiểu!

ASEAN – Thái Lan là lựa chọn hàng đầu để mở rộng thị trường ra nước ngoài

Những tưởng, khi mà đang có quá nhiều nỗi băn khoăn về tương lai, hẳn các doanh nhân Việt sẽ chọn phòng thủ; nhưng sự thật ngược lại. Cũng theo khảo sát, 9/10 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết đang quan tâm đến việc mở rộng thị trường sang nước ngoài. 100% DN trong ngành công nghiệp – dầu khí rất hào hứng với dự định này, tỷ lệ DN sản xuất – kỹ thuật là 96% và công nghệ - truyền thông – viễn thông là 95%.

Có 6 lý do chính khiến các DN Việt muốn 'go global': nhằm tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận, tạo dựng danh tiếng là DN quốc tế, tận dụng mạng lưới khu vực hoặc toàn cầu của công ty mẹ, giảm thiểu rủi ro kinh doanh bằng cách đa dạng hóa thị trường, tận dụng các chính sách hỗ trợ mở rộng kinh doanh của Chính phủ.

"Trong suy nghĩ của nhiều người, Trung Quốc và Mỹ sẽ là 2 thị trường mà các DN Việt muốn xâm nhập đầu tiên vì tiềm năng vô tận của chúng. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi lại chỉ ra rằng: ASEAN – đặc biệt là Thái lan mới là thị trường được các DN Việt ưu tiên khi muốn ra nước ngoài.

Trong năm 2023, có 66% doanh nghiệp Việt đã tìm cơ hội mở rộng sang khu vực ASEAN – 69% dự kiến sẽ mở rộng/mở thêm trong 3 năm tới. Trong đó, Thái Lan là thị trường hấp dẫn nhất với các DN Việt, tiếp theo là Singapore. Và thật ngạc nhiên, khi Việt Nam cũng là thị trường mà các DN Thái yêu thích nhất khi muốn bán hàng ra nước ngoài.

Khi thử tra Google, thì tôi đã phần nào tìm ra được nguyên nhân cho câu chuyện này, vì Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều điểm tương đồng, từ quy mô dân số, văn hóa, cơ cấu doanh nghiệp…", ông Lim Dyi Chang tiết lộ.

Doanh nhân Việt Nam thú vị nhất Đông Nam Á: Lạc quan trong cẩn trọng, 9/10 đang quan tâm đến việc mở rộng sang nước ngoài – đặc biệt là thị trường Thái Lan- Ảnh 2.

Các DN Việt đang tìm cơ hội thâm nhập thị trường Thái Lan ở Thaifex 2023.

Đứng sau khu vực ASEAN là Trung Quốc, năm 2023, đã có 40% DN Việt đến thị trường tỷ dân này tìm cơ hội và 37% dự kiến sẽ mở rộng sang đây trong 3 năm tới. Trong năm 2023, có 23% DN Việt mở rộng sang châu Âu, 18% có kế hoạch làm điều đó trong 3 năm tới; chỉ có 15% DN Việt muốn mở rộng sang thị trường Mỹ.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024 thương mại Việt Nam – ASEAN đạt mức 40 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang khối ASEAN đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Thái Lan tiếp tục giữ vị trí đầu bảng thị trường nhận xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN với 3,87 tỷ USD - tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, nửa đầu năm 2024, Việt Nam chi 22,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Thái Lan, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Thương mại điện tử (TMĐT) chính là giải pháp hữu hiệu nhất và triển khai nhanh nhất khi muốn bán hàng xuyên biên giới, xuất khẩu sang nước khác.

Đầu tiên, TMĐT là 'quả chín nhanh và dễ hái, là cách nhanh nhất để chạm tới khách hàng ngoài kia, có thể đi xuyên biên giới trong một cái chớp mắt'. Thứ hai, không như các kênh bán hàng khác, rảo cản tiếp cận TMĐT thấp, chúng ta lên một sàn buôn bán online, mở tài khoản và sau đó xây dựng một team để vận hành chúng.

"Thậm chí, bây giờ, có rất nhiều nhà cung cấp có thể làm giải pháp kênh bán hàng online cho doanh nghiệp từ đầu đến cuối", ông Lim Dyi Chang cho biết thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm