Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) - nói lo lắng khi liên tục bị cơ quan thuế gọi điện đe dọa đòi lập biên bản nếu công ty không triển khai hóa đơn điện tử ngay.
"Chúng tôi đang làm ăn thua lỗ 2 năm qua, không có chi phí để triển khai ngay nhưng cơ quan thuế không tuyên truyền, khuyến khích mà áp chế như tội phạm", ông Dũng kể tại một tọa đàm trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức chiều 26/12.
Theo ông, 11 tháng đầu năm, công ty mẹ APP lỗ 4,7 tỷ đồng. Trong đó, công ty con về kinh doanh xăng dầu lỗ hơn tỷ đồng và không còn khả năng kinh doanh. Trong khi đó, nếu muốn xuất hóa đơn điện tử từng lần, mỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải chi 400-700 triệu đồng đầu tư hạ tầng. Việc đầu tư này, theo ông Dũng là "khó chồng khó" trong bối cảnh doanh nghiệp đang thua lỗ.
Đại diện cho các thương nhân phân phối cả nước, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty dầu khí Đồng Nai - cho hay các công ty phân phối tư nhân đồng loạt thua lỗ từ đại dịch. Tới nay, các công ty vẫn "khó khăn vô cùng". Với chi phí đầu tư cao, 10.000 cửa hàng xăng dầu tư nhân sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư triển khai hóa đơn điện tử.
"Với số tiền đầu tư lớn, rất khó để đầu tư ngay mà cần phải có lộ trình", ông Phụng nói.
Theo các chủ doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hơn nữa về giải pháp tài chính và chính sách. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng tại các doanh nghiệp tư nhân chưa tương thích, thiếu đồng bộ trong chuyển đổi số.
Hiện, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, theo quy định sẽ phải thực hiện lộ trình sử dụng và kết nối hóa đơn điện tử với ngành thuế. Nhưng hiện mới có 2 đơn vị triển khai với 3.000 cây xăng, trong đó, Petrolimex chiếm đa số.
Ông Đỗ Thanh Hán - Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn dẫn chứng, Petrolimex chuẩn bị dự án xuất hóa đơn điện tử mất 10 năm (2013-2022) và có ngân sách Nhà nước hỗ trợ mới triển khai được như hôm nay. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân cần thêm thời gian.
Liên quan đến chi phí hóa đơn điện tử, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng cho rằng, trước đây chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng một triệu đồng một năm. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100-165 triệu đồng một năm. Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng, dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Không chỉ mất chi phí cao, ông Phương còn lo lắng về độ an toàn trong quá trình lưu trữ.
Đáp lại các bức xúc của doanh nghiệp, ông Mai Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng sẽ ghi nhận các bức xúc của doanh nghiệp. Với thông tin phản ánh về thái độ phục vụ của nhân viên chi cục thuế địa phương ông sẽ xác minh đầy đủ và chịu trách nhiệm uốn nắn nhân viên kịp thời.
"Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Trong hơn 40.000 cán bộ thuế, có vài người làm chưa đúng theo tuyên truyền nên ông đề nghị các doanh nghiệp nếu gặp tình trạng tương tự có thể phản ánh lên đường dây nóng của Tổng cục", ông Sơn nói.
Với lộ trình triển khai, từ ngày 1/7/2022 khi luật được ban hành, ông cho rằng đã có 2 năm chuẩn bị về mặt pháp luật. Trước đó, Tổng Cục thuế đã đưa những thông tin lên website, các hội thảo, xin ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp... nhưng không nhận được nhiều phản ánh tích cực như hiện nay. Do đó, cơ quan Nhà nước mong doanh nghiệp đồng hành để việc triển khai được thông suốt hơn.
Ông đánh giá, hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như bán mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, cơ quan thuế sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời. Tổng cục thuế có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để chậm trễ.
Ông Sơn cho rằng nếu việc triển khai hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp xăng dầu thành công sẽ đem lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà nước. Điều này giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp minh bạch, tránh thất thu thuế.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu, buộc phải thực hiện.
Ông dẫn chứng trên thế giới nhiều quốc gia phát triển đã triển khai hàng chục năm nay và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của họ đã để khách hàng tự phục vụ. Do đó, để các doanh nghiệp Việt Nam triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử cần có sự tham gia sâu sát của nhà chức trách. Ông mong cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó, đại diện cơ quan ngành thuế khi áp dụng chính sách quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của các doanh nghiệp.