Doanh nghiệp

"Doanh nghiệp Việt nên tận dụng khai thác dữ liệu tối đa 5 năm tới"

Ông Trương Bá Toàn, Giám đốc điều hành Western Digital Việt Nam, với gần 20 năm làm việc trong ngành IT Việt Nam đã có những chia sẻ về nguồn dữ liệu Việt Nam, bao gồm dữ liệu từ Big Data, AI, IoT, blockchain...

Ông Trương Bá Toàn, Giám đốc điều hành Western Digital Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ông Trương Bá Toàn, Giám đốc điều hành Western Digital Việt Nam. Ảnh: NVCC

- Big Data, AI, IoT... có vẻ khá lạ lẫm với nhiều doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của dữ liệu, công nghệ trên con đường số hóa và cạnh tranh của doanh nghiệp?

- Có thể hiểu ngắn gọn như thế này, các công nghệ như IoT - kết nối Internet vạn vật, Big Data - Dữ liệu lớn và AI - Trí tuệ nhân tạo được tạo ra giúp tối ưu hóa cách chúng ta sống, làm việc đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới. Theo đó, khi Western Digital hỗ trợ một dự án Smart city, chúng tôi sẽ sử dụng hàng trăm nghìn cảm biến và tạo ra một lượng rất lớn dữ liệu, thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, có thể cho phép các dịch vụ thành phố đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Từ Smart city đến Smart home hay doanh nghiệp, bằng cách này, các doanh nghiệp trên bước đường từ số hóa đến chuyển đổi số sẽ tối ưu lợi thế mình đang có, từ việc sẽ có thể cung cấp cho khách hàng của họ nhiều dịch vụ được cá nhân hóa hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của họ, mở rộng được tệp khách hàng tiềm năng, đồng thời tăng tính cạnh tranh lên rất nhiều qua việc khai thác tối đa nguồn dữ liệu mình đang có. Mọi quyết định chiến lược kinh doanh lúc này không còn cảm tính mà là nhìn data ra quyết định.

- Bằng việc kết hợp Big Data với AI, doanh nghiệp sẽ được hưởng những lợi thế gì?

- Có rất nhiều lợi thế khi doanh nghiệp biết tận dụng Big Data, AI. Nhưng có hai lợi thế mà tôi nhìn nhận nó rất quan trọng, đó là giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động kinh doanh của mình. Trước hết, một nền tảng dữ liệu lớn tốt sẽ có thể giúp doanh nghiệp phân tích và dự đoán các vấn đề trước khi chúng xảy ra. Điều này cho phép doanh nghiệp đảm bảo không có sự chậm trễ nào trong hành trình phát triển và hỗ trợ khách hàng. Lợi thế thứ hai đó chính là nhìn dữ liệu dự đoán xu hướng kinh doanh để ra quyết định, định hướng kinh doanh phù hợp. Nó không chỉ còn là vấn đề cảm tính hay kinh nghiệm của người điều hành. Đó là những lợi thế cạnh tranh tối ưu nhất hiện nay với một doanh nghiệp khi triển khai AI cùng Big Data.

- Như vậy, dữ liệu chính là tài nguyên chiến lược để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, doanh nghiệp. Ông có nhận định như thế nào về tài nguyên dữ liệu của nước ta?

- Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất thế giới, với tỷ lệ người dân sở hữu smart phone, máy tính rất lớn, chiếm 64% dân số, tương đương hơn 60 triệu người sử dụng. Đây là một trong những lợi thế của Việt Nam khi xây dựng hạ tầng dữ liệu trong chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện cho việc thu thập dữ liệu nhanh chóng và dễ dàng. Giá thành cho thiết bị chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn đang ở mức giá rất hợp lý, không quá cao, nghĩa là doanh nghiệp không cần phải đầu tư rất lớn vào hạ tầng lưu trữ lúc đầu như trước kia, mà khoản đầu tư này sẽ tăng dần theo khả năng mở rộng của tổ chức, doanh nghiệp. Một lợi thế khác nữa chính là lượng công ty trẻ, start up tăng rất nhanh, nên họ có tư duy và có thể thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng mà không bị ảnh hưởng nhiều. Lựa chọn những hạ tầng công nghệ uy tín, chất lượng kết hợp cùng những nhân sự chuyên môn cao chính là mấu chốt vấn đề để doanh nghiệp có thể tối ưu khai thác dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo được tính bảo mật và an toàn của nó.

Trụ sở Western Digital. Ảnh: WD

Trụ sở Western Digital tại Mỹ. Ảnh: Western Digital

- Khách hàng là trung tâm của doanh nghiệp. Vậy Big Data, AI hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị và hiểu khách hàng như thế nào?

- AI, Big Data giúp doanh nghiệp vẽ chi tiết hơn chân dung khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ biết khách hàng của mình là ai và họ thích điều gì. Đây chỉ là bước đầu tiên trong tiếp thị hướng tới khách hàng. Khi một camera AI quét qua khách hàng, nó cho phép doanh nghiệp lấy thông tin nhân khẩu học, cùng với sở thích của khách hàng để bắt đầu tạo một thông điệp tiếp thị. Doanh nghiệp lúc này không chỉ nhận được thông tin chi tiết về khách hàng của mình, mà bằng cách tận dụng phân tích bán lẻ, họ có thể theo dõi vị trí của khách hàng tại địa điểm của mình và mối quan hệ họ có giữa các cửa hàng hoặc bộ phận nhất định. Điều này giúp tất cả công việc dự đoán tạo ra kế hoạch tiếp thị, bởi vì doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu và số thực để khám phá những hiểu biết đáng ngạc nhiên về những gì khách hàng thích hoặc sẽ phản hồi.

- Chúng ta cũng có nền tảng dữ liệu lớn để hỗ trợ chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện số hóa tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Theo ông nguyên nhân là gì?

- Một trong những nguyên nhân lớn hiện nay trở thành rào cản cho các doanh nghiệp bị chậm trong tiến trình chuyển đổi số đó là vấn đề nhận thức. Nhiều người nghĩ nó quá đơn giản như kiểu đây là việc của IT, nên thuê về một anh IT bảo họ làm chuyển đổi số.

Cũng không ít doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng đầu tư thiết bị cho việc số hóa tốt, đầu tư cho công nghệ nhưng lại thiếu đồng bộ hóa nhân sự phù hợp với công nghệ đã đầu tư. Tức là họ thiếu việc thiết lập một hệ thống tích hợp hoàn chỉnh trong và ngoài tổ chức. Từ số hóa đi đến chuyển đổi số, nó đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi xu thế, thử nghiệm và thích nghi... Vì vậy, nhân sự vận hành cũng phải được đào tạo trang bị các kỹ năng mới.

Tựu chung, nhận thức chưa đúng, tư duy thủ công sẽ dẫn đến triển khai số hóa nửa vời, chưa phù hợp từ việc thiếu kỹ năng số và nhân lực đến thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, lẫn việc thiếu tư duy kỹ thuật số.

- Nhiều người cho rằng, những sản phẩm công nghệ như Big Data, AI là của tương lai, tốn nhiều chi phí, không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông có nhận định gì với quan điểm đó?

- AI hay Big Data là công nghệ. Chi phí đầu tư hoàn toàn không tốn kém và chiếm quá lớn trong ngân sách thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp phải dựa vào size của chính doanh nghiệp để lựa chọn giải pháp phù hợp với quy mô kinh doanh của mình. Chúng ta biết chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa chi phí, nhưng chúng ta lại sợ AI cao siêu và Big Data là cái gì đó rất tương lai... Doanh nghiệp ngại thực hiện để tìm hiểu thì doanh nghiệp đó cứ mãi giậm chân tại chỗ, trong khi các đối thủ của họ tận dụng được thì lại tiến rất xa.

- Ông có đánh giá như thế nào về năng lực khai thác dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm tới?

- Dự thảo về Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được xây dựng. Theo đó, hạ tầng thông tin và truyền thông sẽ được định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ với hạ tầng dữ liệu, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia; các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.

Bài học kinh doanh trong dịch bệnh cho thấy lợi thế hoàn toàn nghiêng về các công ty tận dụng được việc khai thác dữ liệu, áp dụng Big Data, AI trong chuyển đổi số, nên thời gian sắp tới sẽ là thời kỳ bùng nổ của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt sẽ đẩy mạnh và chú trọng khai thác dữ liệu, tận dụng và triển khai tốt hơn việc chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ở góc độ Nhà nước cũng bắt đầu số hóa và sẽ thực hiện phát triển smart city (thành phố thông minh), chính quyền điện tử trong điều hành, quản lý.

Trong giai đoạn 5 năm tới, tôi hoàn toàn tin rằng, đây sẽ là những thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng và bật xa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm