Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chiếm tỉ lệ 97% - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Cắc cớ" này được đưa ra tại buổi khảo sát tình hình thực tiễn Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Luật hỗ trợ DNVVN) giai đoạn từ 1-1-2018 đến 30-6-2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 21-9.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp và nhỏ TP.HCM, cho biết qua các cuộc khảo sát, trung tâm nhận được phản hồi của doanh nghiệp là khó, thậm chí là chưa tiếp cận được các hỗ trợ cho dù Luật hỗ trợ DNVVN cho thấy quyền được hỗ trợ rất nhiều.
Chẳng hạn hiện nay là dù khẳng định hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm vừa và nhỏ, nhưng trong hồ sơ đi vay các doanh nghiệp này đều phải chứng minh mình thuộc nhóm này với các điều kiện thủ tục rất phức tạp.
"Nếu cơ quan thuế đã công bố danh sách những doanh nghiệp lớn thì chỉ cần đối chiếu là biết các doanh nghiệp còn lại chắc chắn thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sao phải mất thêm thủ tục để chứng minh?", ông Tuệ nêu.
Cũng theo đại diện Trung tâm Doanh nghiệp và nhỏ TP, các hỗ trợ hiện nay cũng đang mâu thuẫn với Luật Quản lý thuế và Luật Ngân sách Nhà nước. Cần phải sửa đổi Luật thì mới có hỗ trợ hiệu quả và phải huy động thêm được nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước.
"Việc Luật thiếu hướng dẫn đi kèm, phân công không rõ ràng cũng là một phần nguyên nhân, ngoài ra còn thiếu một chế tài đủ mạnh để có thể động viên các cơ quan liên quan, địa phương tích cực hơn thi hành các quy định của Luật hỗ trợ DNVVN", ông Tuệ kiến nghị.
Những chính sách hỗ trợ DNVVN thiếu thực tế cũng làm cho công tác vận động chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, phó chủ tịch UBND quận 5, cho biết trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa tạo được sức hấp dẫn thì các quy định hiện nay khá thoáng cho hộ kinh doanh như không bị giới hạn số lao động, được mở nhiều chi nhánh và thuê người quản lý… khiến cho động lực chuyển đổi của các hộ kinh doanh hầu như không có.
Nhiều hỗ trợ vẫn chưa đến được doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: N.BÌNH
Bà Vương Thanh Liễu, phó chủ tịch UBND quận 6, cũng cho biết trong 3 năm 2018-2022, quận đã vận động được 605 hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp. Thực tế mặc dù Luật Hỗ trợ DNVVN quy định tương đối toàn diện nhưng chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động mô hình doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân thực hiện.
Trường hợp chuyển lên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bị ràng buộc rất nhiều quy định pháp luật về thuế, chế độ kiểm toán trong khi xử phạt vi phạm hành chính lại cao gấp 2 lần hộ kinh doanh. Do đó bà Liễu cho rằng, các chính sách hỗ trợ với nhóm DNVVN cần phải được cụ thể hóa để tăng động lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết quan điểm phát triển của nhiều quốc gia cho thấy nền kinh tế của họ thành công nhờ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không đi theo những tập đoàn lớn. Ngay cả các quốc gia như Nhật Bản, Đức... cũng xem đây là lực lượng xương sống của nền kinh tế.
"Việt Nam xác định phát triển DNVVN không chỉ giải quyết câu chuyện việc làm, lao động mà còn là sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc hỗ trợ lực lượng này cần phải cụ thể và phải xem xét kịp thời, nêu rõ trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương đặc biệt trong dịp COVID-19 vừa qua", ông Nghĩa nói.