Bất động sản

Doanh nghiệp ô tô, bảo hiểm lấn sân kinh doanh BĐS: Cứ ôm đất rồi bỏ hoang

“Đất vàng” trơ gan cùng tuế nguyệt

Là doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt chuyển sang kinh doanh BĐS với hàng loạt các dự án đất vàng tại Hà Nội. Thế nhưng, nhiều năm qua, những dự án trên “đất vàng” này của tập đoàn vẫn bất động. Cụ thể, dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế sẽ là tòa nhà văn phòng hạng A, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, một đối tác góp 50%.

Dự án có vị trí 3 mặt đường, ngay ngã tư Trần Duy Hưng và Hoàng Minh Giám và nằm ngay bên cạnh tổ hợp Big C Thăng Long. Đối diện dự án là khu căn hộ cao cấp của Tân Hoàng Minh có giá lên tới 60- 70 triệu đồng/m2. Dự án được xây văn phòng tạm là dãy nhà cấp 4, thế nhưng do bỏ hoang nhiều năm, văn phòng tạm đã xuống cấp. Xung quanh dự án cỏ mọc um tùm, khoảng sân trong dự án giờ làm nơi đỗ xe.

Theo kết quả tổng hợp gần đây từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 3.205 dự án BĐS, diện tích khoảng trên 85.163ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đáng quan ngại là, tình trạng này không chỉ tập trung riêng ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung nhiều nhất ở khu vực ven biển.

Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là khu văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại là: Seven Star) tại lô đất D27 2,2 ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013.

Doanh nghiệp ô tô, bảo hiểm lấn sân kinh doanh BĐS: Cứ ôm đất rồi bỏ hoang  - Ảnh 1.

Dự án “đất vàng” tại Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm của Tập đoàn Bảo Việt Ảnh: Ngọc Mai

Tuy nhiên, đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện. Dự án giờ đang bị “xẻ thịt” làm các dịch vụ kinh doanh như: gửi xe, sân tennis… Điều đáng nói là, mới đây, gần 95,2% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo Khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh BĐS, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc không cho doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh BĐS là đúng, bởi doanh nghiệp bảo hiểm không có nghiệp vụ về BĐS nên không nên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, nên xem xét cho doanh nghiệp tham gia BĐS bằng hình thức đầu tư để huy động tiền nhàn rỗi.

Chuyên gia BĐS Nguyễn Anh Quê (CLB Bất động sản Hà Nội) cho rằng, người dân khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm, tức là họ mua sự an toàn cho chính mình khi xảy ra các tình huống rủi ro như tai nạn, bệnh tật... Vì vậy, dòng tiền của ngành bảo hiểm phải tuyệt đối an toàn. “Bảo hiểm không phải là một kênh đầu tư, người mua bảo hiểm cũng không phải là đầu tư. Vì vậy, dòng tiền khi rót vào bảo hiểm sẽ không phải đối mặt với rủi ro thắng hay lỗ. Thực tế, tại Việt Nam, trước đây cũng đã có doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào BĐS, lợi nhuận thì không thấy đâu, chỉ thấy toàn lỗ. Thậm chí, cho tới nay, nhiều dự án BĐS của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đắp chiếu, chưa triển khai, khiến dòng tiền của người dân khi rót vào bảo hiểm bị lãng phí rất lớn”, ông Quê nói.

Doanh nghiệp ô tô được giao hàng chục ha nhưng để không

Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) cũng nổi đình đám khi có mặt tiền chạy dài hàng trăm mét cạnh Đại lộ Thăng Long, tọa lạc tại thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai với tổng diện tích lên đến 52,5ha. Ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) quyết định giao Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS), thành viên của Công ty Cổ phần Gami BĐS (Gami Land), làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai. Trong đó, Gami Land là thành viên trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Gami (Gami Group). Gami Group được thành lập năm 1993, khởi đầu là nhà phân phối của nhiều hãng xe hơi tại Việt Nam. Các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới mà tập đoàn phân phối tại Việt Nam bao gồm Mercedez Benz, Mitsubisshi, GM, Ford.

Đến nay, đã hơn chục năm nhận quyết định giao đất, dự án vẫn chưa được FBS triển khai, trải qua nhiều biến động, chủ đầu tư xin thay đổi chủ trương đầu tư nhưng đất vẫn bỏ hoang suốt thời gian dài gây lãng phí lớn.

Các doanh nghiệp làm dự án BĐS nhưng bỏ hoang không mới, song nhiều năm qua, Hà Nội có nhiều đoàn giám sát về vấn đề này và nhiều dự án bị thu hồi. Tuy nhiên, số dự án “giữ đất” vẫn không ngừng gia tăng, đáng chú ý rơi vào không ít doanh nghiệp ngoài ngành BĐS.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, dựa vào kết quả giám sát của HĐND TP tính đến hết năm 2021, trên địa bàn có 379 dự án trong tình trạng chậm triển khai, nằm rải rác ở khắp các quận, huyện, ngay cả những dự án tọa lạc ở khu vực trung tâm thành phố được xem là “đất vàng” nhưng cũng nằm đắp chiếu hàng chục năm, gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước và tạo bức xúc trong dư luận. Đáng chú ý, nhiều dự án trong số các dự án chậm triển khai nói trên thuộc về những doanh nghiệp không liên quan đến chuyên ngành BĐS. Dự án khá nổi tiếng là Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm) của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam với vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng cũng thuộc những dự án này.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm