Khoa học

Truyền cảm hứng khoa học cho học sinh

Truyền cảm hứng khoa học cho học sinh - Ảnh 1.

GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với các học sinh sau buổi nói chuyện khoa học tại Trung tâm ICISE chiều 11-7 - Ảnh: LÂM THIÊN

Chiều 11-7, trong chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), GS Đàm Thanh Sơn đã có buổi nói chuyện khoa học chủ đề "Các pha của vật chất: từ quan điểm của vật lý hiện đại".

Tham dự buổi nói chuyện và giao lưu với GS Đàm Thanh Sơn có 60 học sinh ưu tú cùng nhiều thầy, cô giáo đến từ năm trường THPT chuyên: Lê Quý Đôn và Chu Văn An (Bình Định), Lê Khiết (Quảng Ngãi), Hùng Vương (Gia Lai) và Lương Văn Chánh (Phú Yên).

Thực tế có những tài năng "nở muộn". Bởi vậy, nếu hôm nay bạn chưa giỏi toán mà mê vật lý, thì bạn hãy tin là ngày mai bạn sẽ giỏi, nếu đam mê và quyết tâm thì sẽ làm được, đừng từ bỏ!

GS Đàm Thanh Sơn

Lưu ý "tài năng nở muộn"

Tại buổi nói chuyện, GS Đàm Thanh Sơn đã chia sẻ với học sinh về kiến thức vật lý cơ bản, vật lý lý thuyết hiện đại. Nhưng sôi nổi và hào hứng nhất trong buổi nói chuyện chính là phần giao lưu, hỏi đáp giữa các học sinh, giáo viên với GS Sơn.

Với kiến thức uyên thâm, ông Sơn đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến các pha Tôpô là những vấn đề nóng trong nghiên cứu vật lý hiện đại, chuyển pha giữa chất rắn và chất lỏng, cơ học lượng tử khi electron chuyển động trong từ trường...

Một giáo viên dạy toán bày tỏ sự ngưỡng mộ rằng Đàm Thanh Sơn từng là học sinh giỏi, đoạt huy chương vàng quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 nhưng sau này lại là nhà khoa học xuất sắc của thế giới về vật lý. 

"Vật lý liên quan rất nhiều đến toán học, vậy liệu có một học sinh rất yêu vật lý nhưng lại không có một nền tảng toán học xuất sắc thì trong tương lai có thành công trong nghiên cứu về vật lý không?", thầy giáo đặt câu hỏi.

Ông Sơn đáp rằng vật lý đúng là cần rất nhiều công cụ về toán học, nhưng có nhiều cách làm vật lý khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. "Có người tiếp cận theo hướng toán học, có người suy nghĩ bức tranh vật lý theo trực giác của mình, và trong thực tế những cách tiếp cận khác nhau ấy nhiều khi bổ sung cho nhau. 

Vật lý hiện nay là một môn cần sự giao tiếp, cộng tác với nhau rất nhiều, nên người này mạnh mặt này, người nọ mạnh mặt kia thì tất cả đều có chỗ trong nghiên cứu vật lý. Vật lý không chỉ là lý thuyết mà cả thực nghiệm, nên không nhất thiết cứ phải giỏi về toán thì mới nghiên cứu vật lý", ông nói.

Ông Sơn nói một học sinh ở trường phổ thông chưa giỏi về toán không có nghĩa là khi lên đại học bạn ấy lại không giỏi toán. "Chúng tôi muốn nói là thực tế có những tài năng "nở muộn". Bởi vậy, nếu hôm nay bạn chưa giỏi toán mà mê vật lý, thì bạn hãy tin là ngày mai bạn sẽ giỏi, nếu đam mê và quyết tâm thì sẽ làm được, đừng từ bỏ!", ông khuyên.

Truyền cảm hứng khoa học cho học sinh - Ảnh 3.

GS Duncan Haldane, GS Đàm Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với các giáo viên, học sinh tham dự khai mạc hội nghị khoa học tại ICISE sáng 11-7 - Ảnh: LÂM THIÊN

Truyền cảm hứng

Bạn Huỳnh Hà Phương Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), nói rằng tuy là học sinh chuyên Anh, nhưng lại mê vật lý và rất quan tâm đến lượng tử Tôpô.

Linh đặt câu hỏi tại buổi giao lưu và được GS Đàm Thanh Sơn trả lời cụ thể. "Thầy Sơn nói thầy sẽ gửi cho tôi tài liệu liên quan để nghiên cứu, nếu có gì thắc mắc nữa thì hãy gửi email cho thầy. Thật tuyệt vời!", Linh nói. 

Tìm hiểu về Đàm Thanh Sơn, Linh biết ông đã có những bước phấn đấu và quyết tâm khi còn trên ghế nhà trường cho đến khi trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới, được giải thưởng Dirac danh giá. 

"Lần đầu tiên tôi có cơ hội được gặp một nhà khoa học hàng đầu thế giới và thầy đã truyền cho tôi một ước mơ phấn đấu. Tôi không dám mong được như thầy, nhưng gặp thầy đã tạo cho tôi một sự thôi thúc học tập và nghiên cứu để có thể vươn đến những điều mình mơ ước", Linh bày tỏ.

Tương tự, bạn Đặng Lê Gia Hân, học sinh lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai), cũng có niềm đam mê vật lý, đoạt giải nhì quốc gia về khoa học kỹ thuật với đề án liên quan đến lĩnh vực vật lý năng lượng. 

Hân thổ lộ: "Bài nói chuyện của GS Đàm Thanh Sơn đã cho tôi hiểu rất nhiều về vật lý hiện đại, nhiều phạm trù mà trong sách giáo khoa hiện nay không có và tôi chưa từng biết. Tôi rất có cảm hứng về nghiên cứu vật lý sau khi nghe bài giảng của GS Sơn".

Thầy Huỳnh Tấn Châu, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), nhận xét buổi nói chuyện khoa học của GS Sơn thực sự có ý nghĩa đối với tất cả giáo viên và học sinh tham gia, nhất là các học sinh giỏi về vật lý.

"Chuyện GS mang đến không chỉ là chuyên sâu về vật lý, thời sự vật lý hiện đại, mà còn cả quá trình tự học, tự nghiên cứu, tự định hướng đầy quyết tâm và đam mê. GS đã mở ra những hướng nghiên cứu mới để các học sinh tiếp cận tốt hơn để định hướng lại và điều chỉnh nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường, năng khiếu của mình. 

Các trường học cũng có hướng để điều chỉnh công tác giáo dục đào tạo cho phù hợp với trình độ, năng lực và niềm đam mê của học sinh", thầy Châu nói.

GS đoạt giải Nobel tham dự hội nghị khoa học quốc tế tại Quy Nhơn

Ngày 11-7, hội nghị khoa học quốc tế "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện" khai mạc tại Trung tâm ICISE và kéo dài đến ngày 16-7.

GS Duncan Haldane - người đoạt giải Nobel vật lý 2016, là giáo sư của Đại học Princeton (Mỹ) và GS Đàm Thanh Sơn (Trường đại học Chicago, Mỹ) - người đoạt giải Dirac 2018, cùng nhiều nhà khoa học trong nước, quốc tế tham dự hội nghị này.

GS Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, nói rằng đây là một hội nghị khoa học quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 18 năm 2022.

Sự kiện này được hội đồng chủ trì đề án trình Liên Hiệp Quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới hưởng ứng Năm quốc tế khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 do Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 1-2022 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 8-7-2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm