Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Nhà nước đang chi phối các lĩnh vực quan trọng ra sao?

Theo báo cáo, DNNN đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Cụ thể trong các lĩnh vực sau:

Năng lượng

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đã sản xuất, khai thác và cung cấp sản phẩm cho kinh tế vĩ mô, như, điện, than, khí, xăng dầu... , cụ thể:

Trong lĩnh vực điện: Các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. 

EVN bảo đảm truyền tải điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia; thực hiện công tác điều độ điện năng; phân phối điện năng trong cả nước; quản lý vận hành lưới điện nông thôn, các nhà máy điện quy mô, công suất lớn, trong đó có các nhà máy sản xuất điện chiến lược lớn, đa mục tiêu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí: DNNN độc quyền hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Trong 05 năm giai đoạn 2016-2020, PVN đã khai thác ước đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.

Lĩnh vực khai thác than, khoáng sản: Trong giai đoạn 2016 - 2020, TKV đã tăng sản lượng khai thác than đạt 180,3 triệu tấn; tiêu thụ đạt: 198,5 triệu tấn than, 5,78 triệu tấn Alumin, 60,6 ngàn tấn đồng tấm... chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản của cả nước.

Lĩnh vực xăng dầu: các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Cụ thể: riêng Tập đoàn Petrolimex chiếm 50% thị phần, các doanh nghiệp thuộc các TĐKT và TCT nhà nước khác chiếm 34,5% thị phần (PVOil chiếm 22,5%, TCT Thành Lễ Thalexim chiếm 6%, xăng dầu quân đội Mipec chiếm 6%); Petrolimex đã chủ động tham gia đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường, góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Viễn thông và công nghệ thông tin

Các DNNN (Viettel, VNPT và Mobifone) đã chi phối tất cả các hoạt động trong lĩnh vực này, chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất. Các DNNN hoạt động trong lĩnh vực này đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng, hóa đơn điện tử; ứng dụng nền tảng điện toán đám mây (Cloud) và triển khai dữ liệu lớn (Big Data); cung cấp dịch vụ Ví điện tử Mobile Money; đẩy mạnh việc triển khai các cơ sở hạ tầng mới để mở rộng vùng phủ sóng 4G, truyền dẫn cáp quang, nâng cao chất lượng mạng lưới, chuẩn bị cho mạng 5G...

Hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển) đã tổ chức các chuyến bay, chuyến tàu vận chuyển hàng hóa phục vụ nền kinh tế và đời sống xã hội, phục vụ chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 gồm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế .

Ngoài ra, DNNN quản lý và vận hành các hạ tầng cảng biển và hàng không quan trọng. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đang quản lý 22 cảng hàng không trong cả nước, đều là các cảng lớn, quan trọng, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa. Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực trong lĩnh vực quản lý cảng biển, vận tải hàng hải và dịch vụ logistics .

Dịch vụ thanh toán và các dịch vụ ngân hàng khác

Các Ngân hàng Thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đã tăng cường hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, Viettinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.

Nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng

Các DNNN đóng góp chủ yếu nguồn nguyên liệu xi măng, sản phẩm chế biến từ dầu khí phục vụ phát triển công nghiệp, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm, phân lân, NPK, DAP phục vụ sản xuất nông nghiệp; NH­3 cho công nghiệp vật liệu nổ, sản xuất thép. 

Cụ thể: trong tổng sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước năm 2019 là 64,75 triệu tấn, TCT Xi măng Việt Nam (Vicem) cung cấp 21,85 triệu tấn, chiếm 33,7% thị phần xi măng cả nước; các công ty xi măng liên doanh nước ngoài và công ty xi măng tư nhân trong nước chiếm tương ứng 26,9% và 39,3% thị phần cả nước. Việc chú trọng phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí, tạo các nguyên vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp cũng được Tập đoàn PVN chú trọng và đầu tư nguồn lực nghiên cứu, sản xuất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm