Cảng hàng không Măng Đen sẽ có vị trí thuộc khu vực trung tâm thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ngọc Tân
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với việc xin bổ sung Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch, UBND tỉnh Kon Tum còn đề xuất Thủ tướng giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Theo đề xuất trên, Cảng hàng không Măng Đen có quy mô sân bay cấp 4E, dự kiến xây dựng tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Công suất thiết kế của Cảng hàng không Măng Đen là từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha; tổng mức đầu tư dự án vào khoảng từ 3.000- 4.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến 2027.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, địa phương thuộc khu vực có vị trí trọng điểm trong khu vực và quốc tế, khi tọa lạc khu vực ngã 3 Đông Dương, thuộc vùng lõi tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, do vậy, cần phải có một cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương.
Cùng với đó, việc triển khai dự án sẽ tạo ra động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; kết nối tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Trao đổi với PV Nhadautu.vn , ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, toàn bộ dự án sẽ được thực hiện theo hình thức PPP với sự tham gia của nhà đầu tư. Hiện nhà đầu tư cũng đã tiến hành khảo sát vị trí bước đầu và cho thấy tính khả thi.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, việc đầu tư Cảng hàng không Măng Đen sẽ mang lại hiệu quả với nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho tỉnh Kon Tum. Đồng thời, không ảnh hưởng quá nhiều đến diện tích đất phải thu hồi khi toàn bộ dự án chỉ vào khoảng từ 300-350ha.
"Nếu đầu tư theo nguồn vốn Nhà nước thì thủ tục sẽ rất lâu, mất rất nhiều thời gian. Còn nếu đầu tư theo hình thức PPP với sự tham gia của nhà đầu tư thì chỉ hơn một năm là xong và đưa vào sử dụng, lại có thể khai thác liền. Hiện nay Vân Đồn, Phú Quốc, và sắp tới Sa Pa, Quảng Trị cũng đầu tư theo hình thức này. Mình với Sơn La (Na Hang), Tuyên Quang (Mộc Châu) cũng đã xin Chính phủ bổ sung quy hoạch", ông Tuấn thông tin thêm.
Theo một lãnh đạo ( của Sở Giao thông Vận tải Kon Tum cho biết, doanh nghiệp đang đề xuất và nhắm đến đầu tư Cảng hàng không Măng Đen hiện nay chính là một Tập đoàn tư nhân. Bên cạnh xin đầu tư sân bay, tập đoàn kinh tế này còn đề xuất đầu tư luôn tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi đi Măng Đen.
" Vị trí đề xuất cũng nằm khu vực trung tâm thị trấn, ở gần khu công nghiệp công nghệ cao của huyện Kon Plông. Mặt bằng ở đây đủ rộng để làm sân bay. Nói chung, nhà đầu tư họ có năng lực làm thì địa phương cũng mừng. Nhà đầu tư họ có vốn, có tính toán bài toán hiệu quả nên tính khả thi dự án sẽ cao", lãnh đạo này chia sẻ thêm.
Cũng theo lãnh đạo này, bên cạnh đầu tư Cảng hàng không Măng Đen, hiện nay tỉnh Kon Tum cũng đang tiến hành lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen quy mô cấp quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc tỉnh Kon Tum đề xuất xây dựng sân bay tại đây cũng nằm trong định hướng thúc đẩy phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, đưa du lịch Măng Đen trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.