Cô Lương Thu Nga, giáo viên trường THPT Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ) "sốc" khi biết điểm chuẩn khối C00 - ngành Báo chí học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt 29,9 điểm - cao nhất từ trước đến nay.
"Học trò của tôi đạt 29 điểm khối C00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đứng thứ 2 toàn tỉnh Phú Thọ nhưng khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ngành Báo chí học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn trượt. Dù được cộng 0,75 điểm khu vực 1 nhưng em vẫn chưa đủ điểm đỗ vào ngành này. Quả thực là điều rất đáng tiếc", cô Nga chia sẻ.
'Lạm phát' điểm chuẩn
Theo phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay cả nước có 53 thí sinh đạt từ 29 điểm khối C00 trở lên, thủ khoa là thí sinh ở thành phố Bắc Ninh với 29,75 điểm (10 tuyệt đối cho môn Lịch sử, Địa Lý và 9,5 môn Ngữ Văn).
"Như vậy kể cả thủ khoa toàn quốc nếu không có điểm cộng vẫn sẽ trượt ngành Báo chí học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn", cô Nga nói.
Vị giáo viên này cho rằng, điểm chuẩn cao chưa chắc đánh giá đúng chất lượng thí sinh. Đây có thể coi là "lạm phát' điểm chuẩn. Một học sinh học lực xuất sắc có tới hai bài thi điểm 10 và một bài thi điểm 9 mà vẫn trượt đại học là bất thường trong giáo dục.
"Đây là năm thứ 2 liên tiếp xảy ra tình trạng điểm chuẩn xấp xỉ ngưỡng tuyệt đối 30. Ngành giáo dục cần xem lại cách kiểm tra, đánh giá và mức độ bất thường của điểm chuẩn cao", nữ giáo viên nói.
Không chỉ cô Nga mà hầu hết giáo viên, học sinh lớp 12 đều đang xôn xao về điểm chuẩn ngành Báo chí học đạt gần tuyệt đối. Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Thị Huệ, Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ, thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT các môn cao có thể coi là tín hiệu mừng, cho thấy việc dạy và học đang đi đúng hướng, nhưng cũng là điều đáng lo khi xét tuyển tới 29 điểm/3 môn vẫn có thể trượt nếu không có điểm ưu tiên.
Thủ khoa toàn quốc khối C00 đạt 29,75 điểm, thiếu 0,15 điểm để đỗ vào ngành Báo chí học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Điểm chuẩn quá cao sẽ mang lại hiệu ứng tâm lý hoang mang cho giáo viên, học sinh và xã hội, nghi ngờ về kết quả học tập, thi tốt nghiệp THPT.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, những ngành xét tuyển theo tổ hợp C00 điểm chuẩn tăng mạnh vì điểm trung bình thi tốt nghiệp ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý năm 2022 đều tăng so với những năm trước. Trong đó, môn Lịch sử sau nhiều năm đạt điểm trung bình cao hơn 5. Cả nước có 38.718 thí sinh đạt 7 điểm môn thi này. Số thí sinh bị điểm liệt chỉ 83 em. Số học sinh đạt điểm 10 là 1.779, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2021 (266 em).
Theo ông Nghĩa, việc tăng điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối C00 còn do một số yếu tố cộng hưởng như số ngành xét tuyển tổ hợp này ít; chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tổ hợp C00 giảm do chuyển chỉ tiêu sang các phương thức khác (trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển tổ hợp này năm nay có thể tăng lên).
Lãnh đạo trường nói gì?
Lý giải về việc điểm chuẩn gần đạt ngưỡng 30 điểm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, năm ngoái ngành Báo chí học lấy điểm chuẩn khối C - 28,80 điểm, khối A01 - 25,80, khối D01 - 26,60, khối D04, 06 - 26,20, khối D78 - 27,10 và D83 - 24,60. Báo chí học luôn luôn nằm trong top 5 các ngành điểm trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây.
Năm nay ngành học này tiếp tục lấy điểm chuẩn cao ở ngưỡng 29,90 điểm (tăng 1,1 điểm so với năm ngoái). "Trường không bất ngờ, kịch bản này phần nào được dự báo từ trước", ông nói.
Theo đề án tuyển sinh 2022, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí học hệ đại trà. Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất so với các chỉ tiêu còn lại.
Đồng thời, ngành học này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển.
Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học bằng khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Còn lại các tổ hợp khác, số nguyện vọng không nhiều, chỉ khoảng vài chục đến vài trăm. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học năm nay rất cao, đặc biệt khối C00 - khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.
Mặt khác, điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp C00 năm nay cũng được đánh giá có phần cao hơn các năm trước, đặc biệt ở môn Lịch sử. Số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021.
"Đó là những lý do khiến điểm chuẩn ngành Báo chí học tăng cao, tiệm cận ngưỡng điểm tuyệt đối", Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói.
Không chỉ Báo chí học, năm nay trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng ghi nhận nhiều ngành học nhận được khối lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lớn như: Quan hệ công chúng 2.100 nguyện vọng - lấy điểm chuẩn 29,95 điểm bằng ngành Đông Phương học và Hàn Quốc học; Khoa học quản lý gần 2.000 nguyện vọng - điểm chuẩn 29 điểm...
Các ngành tuyển tổ hợp C00 khác điểm chuẩn cao, dao động 27 - 28 điểm. Các ngành khối C vốn ít hấp dẫn nhưng điểm chuẩn khá cao như Tôn giáo 25,5 điểm, Nhân học 26,75 điểm. Ngành Hán Nôm 27,5 điểm.
Các ngành khối D mức điểm chuẩn từ 24 đến 27,5. Trong đó Quan hệ công chúng, Báo chí mức 27,25 - 27,5 điểm. Một số ngành như Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Quản trị khách sạn... có sức hút nhưng chỉ tuyển khối D nên mức điểm chuẩn vừa phải, từ 25 - 27,25 điểm.
Một số ngành của trường này tuyển tổ hợp khối A có mức điểm chuẩn dao động trên dưới 23 điểm.
So với điểm chuẩn năm 2021, năm nay điểm chuẩn của trường Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội cao hơn khoảng 0,5 - 1 điểm ở nhiều ngành có sức hấp dẫn.