Từ sau khi Tân Hoàng Minh bị thu hồi trái phiếu vào đầu tháng 4 tới nay, khối lượng trái phiếu tất toán trước hạn tăng mạnh. Bộ Tài chính cho biết trong tháng 4, doanh nghiệp đã mua lại 11.900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn – gần bằng lượng tất toán sớm trong cả ba tháng đầu năm.
Tính cả quý vừa qua, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 49.100 tỷ đồng trái phiếu trong khi con số này vào quý đầu năm ở mức 12.800 tỷ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng trái phiếu.
Tới nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ mua lại trái phiếu do chính họ phát hành dù chưa đến thời điểm đáo hạn.
Đến giữa tháng 6, Tập đoàn Gelex đã có 4 đợt mua lại trái phiếu chỉ trong vòng 2 tháng với tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, có lô trái phiếu được Gelex tất toán sớm dù mới phát hành hơn 5 tháng và có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào cuối 2024. Nửa đầu năm, Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2027.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) gần đây cũng thông báo kế hoạch thanh toán 2.800 tỷ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023.
Động thái này được Công ty chứng khoán SSI đánh giá là do tác động của vụ việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước huỷ bỏ 10.000 tỷ đồng trái phiếu nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh. Cả doanh nghiệp phát hành và người mua đều thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Nửa đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ gần 257.900 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong tháng 1 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4.
Cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55.900 tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48.800 tỷ đồng, tháng 4 là 30.600 tỷ đồng. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn tháng đầu năm. Khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44.200 tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6 khoảng 47.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân thận trọng khi tham gia kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.
Khi được giới thiệu mua loại này, Bộ Tài chính nhấn mạnh nhà đầu tư hết sức lưu ý vì pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư dùng các cách thức lách luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu riêng lẻ thì cả người mua và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, các ngân hàng và công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối và hưởng phí mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định hay đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó, họ không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Nếu trái phiếu doanh nghiệp được giới thiệu là có bảo lãnh, nhà đầu tư phải lưu ý phân loại trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành và không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Còn bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng trước khi quyết định mua trái phiếu.