Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lo ngại dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10 này. Dự thảo luật này đưa ra quy định mới việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã...).

Cụ thể, các tổ chức lao động phải công khai các thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang lương, bảng lương, việc trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi... Dự thảo cũng đề xuất việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các tổ chức này. Ban thanh tra do người lao động tại tổ chức bầu, gồm 3-9 người (không giữ các chức vụ, thẩm quyền ban lãnh đạo) theo đề nghị của Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức khác đại diện cho người lao động tại cơ sở. Trong những trường hợp đặc thù, hoặc hoạt động phân tán, số lượng thành viên Ban thanh tra có thể nhiều hơn để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Nếu tổ chức có ít hơn 10 người lao động thì không tổ chức Ban thanh tra. Nhiệm kỳ của ban này là 2 năm.

Ban thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở... Đồng thời, có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp, tổ chức khi có dấu hiệu vi phạm.

Trước dự thảo luật này, 8 hiệp hội gồm Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Da giày - túi xách Việt Nam, Lương thực, thực phẩm TP HCM, Thực phẩm minh bạch, Dệt may Việt Nam, Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chè Việt Nam, Các nhà sản xuất xe máy đã gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật này. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng gửi riêng kiến nghị lên Quốc hội với những nội dung tương tự.

Các hiệp hội cho biết, là đối tượng chịu tác động lớn từ dự thảo Luật nhưng chỉ biết đến dự thảo qua báo chí chứ chưa được tham vấn, đóng góp ý kiến. Qua nghiên cứu, 8 hiệp hội trong nước nói rằng nếu áp dụng dự thảo cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp thực tế. Còn Eurocham khẳng định, dự thảo chắc chắn gây trở ngại lớn đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các hiệp hội lập luận, khác với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân vận hành bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách. Do đó, doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc quản trị mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động. Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh. Bởi vậy, nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân, luật chỉ nên dừng ở khía cạnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.

Mặt khác, theo các hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân được cho đang thực hiện quy chế dân chủ rất tốt theo luật pháp hiện hành, việc thêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp không cần thiết.

Với Ban thanh tra nhân dân, các hiệp hội thống nhất rằng doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn để đại diện cho người lao động, không nên phát sinh thêm một tổ chức mới bởi như vậy sẽ chồng chéo, gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho công đoàn và doanh nghiệp.

Cũng theo các hiệp hội, việc cung cấp và công khai toàn bộ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị như tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động, thang lương, bảng lương... là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp lo ngại việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến người lao động dễ dàng phát sinh yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp..., gây bất ổn cho doanh nghiệp và xã hội.

"Trên thế giới, hầu hết các nước không có những nội dung quy định pháp luật bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải thực hiện như của dự thảo luật mà chỉ thông qua thỏa ước giữa doanh nghiệp và người lao động. Điều này khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư bị xấu đi nghiêm trọng", đơn kiến nghị của 8 hiệp hội nêu rõ.

Eurocham cũng nhận định, dự thảo luật nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới cũng như có thể làm gián đoạn tiến trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm