GMC:
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn.
Cụ thể, cổ phiếu GMC hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán của Garmex Sài Gòn trong hai năm gần nhất (2022-2023) đều là số âm.
Bên cạnh đó, căn cứ BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024, cùng văn bản từ đơn vị kiểm toán AASCS, Garmex Sài Gòn đã tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5/2023 đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán ngày 15/8/2024.
Theo đó, công ty không có phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp đượ giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.
Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: “ Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên ”, HoSE cho biết cổ phiếu GMC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc và sẽ phải thực hiện hủy niêm yết theo quy định.
Garmex Sài Gòn thê thảm sau “cú đấm” của Amazon
Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) là một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động. Công ty được thành lập năm 1976, tiến hành cổ phần hóa vào năm 2004 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) năm 2006.
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, doanh nghiệp này có hơn 4.000 công nhân làm việc, doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng. Garmex Sài Gòn duy trì mức thu hơn 1.000 tỷ đồng trong 1 thập kỷ từ năm 2012-2021. Thậm chí, năm 2018 xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng trưởng "đột biến" giúp doanh thu của Garmex Sài Gòn cán mốc hơn 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng trở nên khó khăn. Năm 2022, doanh số sụt tới 93% so với năm trước đó, lần đầu tiên Công ty báo lỗ. Khó khăn chung của thị trường, Garmex Sài Gòn cũng chỉ nhận được một số đơn hàng gia công nhỏ, giá cạnh tranh để duy trì hoạt động. Do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp này mạnh tay cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Garmex Sài Gòn còn chịu tác động dây chuyền từ sự việc đối tác lớn Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.
Trong quý 3/2024, GMC ghi nhận lỗ quỹ 3 là 8,7 tỷ - cùng kỳ lỗ gần 11 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, GMC lỗ 8 tỷ, doanh thu thuần đạt 475 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý 3 là gần 82 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, trong quý 3/2024, doanh thu của công ty tăng so với cùng kỳ có là 42 triệu đồng do trong quý có phát sinh doanh thu may chăn từ nguyên phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc. Tuy nhiên doanh thu này không đáng kể.
Không những "trắng doanh thu", lượng lao động của doanh nghiệp ngày một teo tóp. Theo thống kê, tại ngày 31/12/2023, tổng số lao động của doanh nghiệp chỉ còn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Riêng quý cuối năm 2023, doanh nghiệp này cắt giảm đến 1.947 người. Báo cáo tài chính quý 3/2024, đến ngày 30/10/2024, Công ty chỉ còn 31 nhân viên.
Vào hồi đầu tháng 12/2024, Garmex Sài Gòn vừa cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính đến thời điểm hiện tại và kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh chính của công ty.
Theo đó, công ty xác định ngành may mặc là ngành sản xuất kinh doanh chính của công ty. Việc công ty bị tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính (may mặc), không phát sinh doanh thu do thiếu đơn hàng để hoạt động từ tháng 5/2023 đến nay là nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, công ty vẫn phát sinh chi phí may mặc.
Năm 2023, do đơn giá thấp, không có đơn hàng nên công ty chỉ tạm thời bị tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong thời gian bị tạm ngừng sản xuất, công ty đã cơ cấu lại lao động, chỉ giữ lại một số nhân viên bộ phận gián tiếp và trực tiếp (kinh doanh - kế hoạch, kỹ thuật, kế toán, kho, cơ điện, máy móc thiết bị) để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, do đó công ty vẫn phát sinh chi phí cho ngành may.
Trong quý 3 và 4 năm 2024, công ty chưa có đơn hàng may mặc, nhưng có may mền và kinh doanh nhà thuốc nhưng doanh thu không đáng kể.
Công ty cho biết, trong tương lai, nếu điều kiện thuận lợi công ty sẽ khôi phục lại sản xuất kinh doanh chính. Hiện công ty cùng cổ đông lớn đang tìm đối tác châu Âu, Mỹ để có đơn hàng khôi phục lại ngành may.