Chiều ngày 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Amphenol Corporation, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla,… cho biết đang muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam.
Vị này cũng đề nghị Thủ tướng thông tin thêm về các biện pháp của Chính phủ để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ông cho biết thêm đã từng đi du lịch Việt Nam từ năm 20 tuổi, rất yêu thích đất nước và ẩm thực Việt Nam.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 dựa trên ba trụ cột chính là xóa bỏ quan liêu, bao cấp; thực hiện đa sở hữu và hội nhập.
Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD).
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam.
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, toàn diện và kêu gọi hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cũng đang tập trung vào ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống hạ tầng; và phát triển nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đánh giá, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực và được nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "chân thành, tin cậy, trách nhiệm", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa các bên.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.
Thứ hai, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế… để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Thứ ba, Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đổi số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam cũng đã kiểm soát dịch bệnh thành công, nhờ đó mà người dân trong nước và cả người nước ngoài được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, người nước ngoài được đối xử như người Việt Nam, trong đó các chuyên gia nước ngoài được ưu tiên.
Việc kiểm soát dịch bệnh thành công cho thấy Việt Nam cũng có hạ tầng y tế tương đối bảo đảm và nhờ đó, chẳng hạn, người Mỹ có thể điều trị bệnh ngay tại Việt Nam mà không phải trở về nước. Một lợi thế khác của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là người lao động chịu khó, tuân thủ kỷ luật lao động và luật pháp.