Hồi tháng 6 vừa qua, Vinamilk đã quảng bá Green Farm - mô hình trang trại bền vững ra thế giới tại Hội nghị Sữa toàn cầu lần thứ 15, diễn ra tại Laval (Pháp) với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Vinamilk xây dựng trang trại sinh thái khép kín từ 2019 với ba trang trại đặt tại Tây Ninh, Quảng Nam và Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng. Giống bò sữa tại đây nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand, thuần chủng 100%. Các trang trại canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất để quản lý tài nguyên. Diện tích mảng xanh tại các trang trại được duy trì tỷ lệ bao phủ trên 70%.
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về giảm phát thải, ứng dụng vào vận hành, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện khảo sát. Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, tổng hợp trong Báo cáo Phản ánh kiến nghị tháng 8/2022 của Ban IV trình Thủ tướng. Doanh nghiệp khảo sát mức độ nhận thức về giảm phát tại đây. |
Doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển đổi tất cả các mô hình trang trại hiện tại của mình thành Vinamilk Green Farm trong tương lai. Đây sẽ là mô hình tiêu biểu để doanh nghiệp có bước chuyển mình bền vững. Đại diện Vinamilk chia sẻ: "Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng tại COP26, tiến tới bằng 0 vào nằm 2050. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với vai trò doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk đã thực thi các kế hoạch đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu này".
Hoạt động bền vững, nhằm mục tiêu giảm phác thải khí nhà kính cũng đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hưởng ứng thời gian qua. Tập đoàn mới đây SCG đề ra chiến lược hướng đến giảm phát thải carbon ròng bằng 0. Theo lộ trình này, tập đoàn đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn ESG 4 Plus có mức đầu tư ban đầu lên đến 47.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu giảm 20% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết, các động thái của doanh nghiệp nhằm song hành cùng cam kết của Việt Nam tại COP26.
Dựa vào thế mạnh riêng, các công ty thành viên của tập đoàn đã triển khai nhiều chiến lược áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, tập đoàn nỗ lực thay thế nguyên liệu và hệ thống thu hồi nhiệt khí thải, từ đó giảm thiểu 115.000 tấn CO2 hàng năm. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn cũng góp phần giúp ngành này giảm 59.000 tấn tài nguyên thiên nhiên mỗi năm.
Với ngành kinh doanh bao bì, SCGP đã thực hiện mục tiêu Net Zero hướng đến phát triển bền vững bằng việc tối ưu hóa quy trình và sử dụng năng lượng hiệu quả; gia tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng nhiên liệu carbon thấp; áp dụng các giải pháp bù trừ carbon; tối ưu hóa định giá carbon nội bộ góp phần "xanh hoá" ngành bao bì. Ngành hóa dầu của SCG cũng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên nhiều khía cạnh. Ngoài tiêu chuẩn SCGC Green Polymer để nâng cao hiệu quả sinh thái của vật liệu, tập đoàn cũng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở hai trường tiểu học xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lãnh đạo tập đoàn cho biết, với giàn khoan ngoài trời và cơ sở hạ tầng trải dài khắp các vùng miền, PVN là đối tượng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Để ứng phó, bên cạnh việc cam kết giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp còn đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, mục tiêu đến năm 2025, giảm 15,55 triệu tấn CO2 phát thải khí nhà kính của Tập đoàn so với năm 2010, tương đương 2,86% so với kịch bản thông thường và tới năm 2030 giảm 23,53 triệu tấn CO2, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường.
Để đạt mục tiêu, PVN đã triển khai nhiều giải pháp và áp dụng nghiêm ngặt đối với tất cả nhà thầu dầu khí khai thác ngoài khơi, nhằm hạn chế đốt bỏ và triệt để thu hồi, sử dụng khí đồng hành. Lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động tại nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu, sản xuất đạm và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương giám sát theo đúng quy định.
Bên cạnh cam kết giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng để ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện PVN cho biết, đơn vị còn đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như đầu tư các dự án điện mặt trời, nhà máy điện sinh khối và các dự án điện gió, trên cơ sở lựa chọn và sử dụng công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường, công nghệ có độ tin cậy và an toàn cao, chú trọng xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, tích cực tham gia cơ chế phát triển sạch.
Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Chính phủ cũng đã có lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, đã có danh sách gần 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Những năm tiếp theo, thị trường carbon được hình thành, phát triển sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn sẽ phải chuyển mình.