Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bày cách thúc đẩy ngành điện tử

Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV (VFTE 2022), ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group có phần chia sẻ về giải pháp phát triển nhanh ngành công nghiệp điện tử.

Theo ông Peter Huỳnh, ngành điện tử có tiềm năng vô tận. Các quốc gia phát triển đều nhờ công nghệ điện tử, bởi sản phẩm điện tử cao cấp tạo ra lợi nhuận khủng, giúp đất nước phát triển bền vững. Tại Việt Nam, để rút ngắn thời gian phát triển ngành công nghệ này, vị CEO đưa ra ba giải pháp, đó là xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư; đào tạo kiến thức về thiết kế, sản xuất sản phẩm điện tử và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Về xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư, với kinh nghiệm 34 năm sống và làm việc trên đất Mỹ, ông Peter Huỳnh khẳng định, kỹ sư điện tử Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào, thậm chí nhiều người đang làm ở tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Facebook, Google... với vị trí quan trọng.

Để xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư trong nước, Việt Nam nên kết nối, đẩy mạnh hợp tác giữa kỹ sư trong nước với kỹ sư Việt ở nước ngoài. Ví dụ, cử kỹ sư đi thực tế, đến trực tiếp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm thực tế, tiếp thu kỹ thuật hiện đại với các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại đó.

Sự hợp tác cũng nhằm thiết kế và làm ra những sản phẩm với chất lượng cao và đúng luật, tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó chuyển giao công nghệ, sản phẩm đã hoàn thiện về cơ sở tại Việt Nam để tiếp tục sản xuất. "Đây là một cách chuyển giao công nghệ thực tế và thiết thực nhất", ông nói.

Song song, nguồn nhân lực cần được đào tạo bài bản về kiến thức và thiết kế sản phẩm, sản xuất. Trong đó, người học có thể lựa chọn các trung tâm đào tạo điện tử cấp các chứng chỉ dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, các chương trình đào tạo tiêu chuẩn IPC, thiết kế sản phẩm, sản xuất EMS...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm