Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 47.000 tỷ đồng trái phiếu trong 8 tháng đầu năm

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban chứng khoán nhà nước, tính đến ngày 5/9/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 14.230 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền.

Nhóm ngành bất động sản cho thấy diễn biến tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi giá trị phát hành tăng gấp 8,57 lần so với tháng trước đó.

Kế hoạch phát hành sắp tới có CTCP Tập Đoàn Đất Xanh. Hội đồng quản trị CTCP Tập Đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm Ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54.2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91,998 tỷ đồng, chiếm 76.9%.

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21.3%. Trong đó, CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10.2%/năm.

Theo FiinGroup, có mấy điểm nhấn về phát hành trái phiếu, thứ nhất, doanh nghiệp bất động sản có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch vẫn huy động được trái phiếu.

Thứ hai, ngành nghề kinh doanh chính của tổ chức phát hành là xây dựng nhưng trái phiếu chủ yếu phục vụ dự án bất động sản.

Thứ ba là vấn đề chậm trả lãi và gốc của một số tổ chức phát hành. Theo đó, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong thời gian qua trong bối cảnh nhiều “sóng gió” của ngành bất động sản, đã làm cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ vay.

Theo các chuyên gia, tiếp tục phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu. TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 540.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trước tình hình này, doanh nghiệp có hai cách để xử lý.

"Một là mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính và mạnh dạn phát hành tiếp trái phiếu để đáo hạn. Vượt qua được nợ, mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường.

Thứ hai là tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc, tránh hình sự hoá, các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Bởi vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư", TS Lê Xuân Nghĩa nói.

TS Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ sớm ban hành Nghị định 53 sửa đổi thì sẽ tạo kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho doanh nghiệp.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm