Doanh nghiệp mua nhiều nhất trong những ngày gần đây là CTCP City Garden (mua lại toàn bộ lô trái phiếu CG2018, tổng giá trị 270 tỷ đồng). Lô trái phiếu này phát hành từ tháng 9/2018, đến tháng 9 năm nay sẽ đáo hạn. City Garden là thành viên của CTCP Phát Triển và Tài Trợ Địa Ốc R.C (Refico), doanh nghiệp bất động sản lớn khá kín tiếng trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng cũng mua lại trái phiếu trước hạn, như CTCP Fecon chi gần 27 tỷ đồng để mua lại trước hạn 1 phần của 2 lô trái phiếu FCNH2223001 và FCNH2123001. Fecon trả lãi 10-11%/ năm cho 2 lô trái phiếu, từ năm 2022 đến nay cũng nhiều lần rải rác mua lại các lô trái phiếu đã phát hành.
Doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP IDTT vừa mua lại 15 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô IDTCH2123001, qua đó giảm giá trị lưu hành xuống còn 85 tỷ đồng. Lô trái phiếu này của IDTT sẽ đáo hạn trong tháng 6 năm nay.
Các doanh nghiệp: CTCP xây dựng kiến trúc AA, CTCP Địa ốc Sacom cũng có tên trong danh sách mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị lần lượt 25 tỷ đồng, 3 tỷ đồng.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn lên kế hoạch mua lại trước hạn cả nghìn tỷ trái phiếu đã phát hành. Tổng Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp (mã DIG) vừa công bố nghị quyết của hội đồng quản trị thông qua việc mua lại trước hạn toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu mã DIGH2124001.
Đơn vị này sẽ thực hiện mua lại theo phương thức thông báo và thỏa thuận trực tiếp với người sở hữu trái phiếu. Vốn để thực hiện đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác.
Thời gian gần đây, DIC Corp đã liên tục có động thái mua lại trái phiếu trước hạn. Năm ngoái, ngày 10/11/2022, DIC mua lại 539 tỷ đồng lô trái phiếu DIGH2124002 và 1.061 tỷ đồng lô trái phiếu DIGH2124003.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu, có không ít công ty chủ động mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo số liệu của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tháng 2 vừa qua, quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, FiinRatings đánh giá, trong bối cảnh kiểm soát tín dụng bất động sản, hoạt động mua lại sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó số dư ở các doanh nghiệp bất động sản là 100.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng (quý II), và 35.400 tỷ đồng (quý III).
FiinRatings kỳ vọng: "Các chính sách mới hiện nay, bao gồm Nghị định 08 về trái phiếu riêng lẻ và Nghị quyết 33 vừa ban hành của Chính phủ, sẽ là nền tảng tạo điều kiện cho các thành viên thị trường thực hiện hoạt động tái cấu trúc nợ; đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư tiếp cận nguồn tín dụng mới khi các biện pháp cho vấn đề pháp lý bất động sản được triển khai”.