Anh Quân ơi! Việt ơi! Phúc ơi! Các anh em có nghe thấy tiếng thổn thức của hàng vạn con tim đang đập cùng một nhịp không? Không chỉ đau, mà còn nhưng nhức một niềm tự hào. Đoạn đường cuối này, xin hãy đi thật chậm... thật chậm... để đồng đội và nhân dân được ở gần bên các anh thêm một chút nữa...
1. Suốt dọc các con đường dẫn vào nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, phố xá như câm lặng. Vẫn là người, vẫn là xe, vẫn là ken cứng nhưng có gì đó thật trĩu nặng. Còi xe không ai nỡ bấm, bởi vì họ biết, ở phía trong kia, có ba chiến sĩ đang ngon giấc.
Đồng đội tiễn đưa các anh.
Mới đó mà đã gần một tuần trôi qua. Những ngày tháng ngâu này, người Hà Nội sống trong nỗi đau câm lặng, cùng đau một niềm đau chung. Hơn 13h chiều 1-8, nghe tin về vụ cháy, tôi điện thoại cho anh em Cầu Giấy. Lúc ấy nghe đám cháy nhỏ, tôi phần nào yên tâm đi làm tiếp công việc của mình. 15h55’, điện thoại đến rồi đi dồn dập. Dắt xe nhanh ra đường, tôi đã không kịp dừng lại để chờ đèn xanh bật sáng. Tôi lao đi, tay phải lái xe, tay trái kịp lần mở điện thoại khi thấy nó rung lên trong túi xách. “Lính cứu hỏa hy sinh rồi... !” - tin nhắn đến khiến tôi bàng hoàng, đầu óc quay cuồng. Hai bàn tay run lên bấu chặt vào tay lái.
Đoạn đường hôm nay sao dài và xa đến thế... Tôi dừng lại nhìn đám khói vì chưa định thần cháy ở bên nào Quan Hoa. Người lái xe ôm bảo tôi đi thẳng, qua cả đèn đỏ luôn nhé! Tôi rối rít cảm ơn rồi vít ga. Dây căng ngay đầu phố Nguyễn Khánh Toàn giao với Quan Hoa. Tôi phi thẳng vào chỗ anh em đang đứng chốt bảo vệ xin gửi xe, nhưng anh em bảo lúc này rối ren không ai trông xe giúp. Ừ thì xe ư, quan trọng gì nào?! Tôi dựng vội lên vỉa hè, quên cả khóa cổ, khóa càng mà chạy. Chân tôi quýnh quáng, bước thấp bước cao vấp liên tục. Không biết sức lực nào đã giúp tôi vào được tới nơi. Tôi nháo nhác nhìn quanh, tìm ai đó để hỏi.
Một câu thôi "anh em hy sinh rồi", khiến tôi không ghìm được cảm xúc, cứ thế để nước mắt rơi, mặc kệ khuôn mặt méo mó đến cỡ nào. Đồng chí đồng đội trong lớp khói mịt mờ kia ư? Anh em nằm xuống bên trên là lớp tro bám đen ư? Tim tôi thắt lại. Cách đây chục ngày, tôi còn vẫy tay chỉ đạo: “Anh Quân đứng giữa đi, đứng thẳng lên cười tươi vào. Em đếm 1, 2, 3 chụp đấy nhé!”. Cả quãng đường trước đó tôi gọi anh liên tục không thấy bắt máy, chỉ mong là anh vì bận mà không nghe được điện thoại của tôi. Mấy bữa viết bài xong gửi link cho anh, anh còn “rủ rê” hôm nào ngồi giao lưu với anh nhé! Tôi và anh, chưa kịp phối hợp viết bài đưa tin thì anh đã đi rồi.
Không để ý hết được những gương mặt thân quen, chỉ có hai người, cùng tên, chắc hẳn đang cùng một cảm xúc - ĐAU ĐỚN. Đồng chí Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy mà tôi biết là người rất quyết liệt. Kế hoạch cao điểm xử lý nồng độ cồn, anh chỉ đạo và đứng đầu toàn thành phố. Mệnh lệnh 01 - Chiến dịch 30 ngày đêm cấp CCCD gắn chíp thì Cầu Giấy cũng ở top đầu. Ấy vậy mà người chỉ huy ấy hôm nay thất thần, khuôn mặt co rúm lại. Tôi cảm nhận được nỗi đau của người đứng đầu đơn vị khi đứng đó, còn ở trong kia là cấp dưới của mình đã anh dũng hy sinh. Người còn lại, cũng tên Trung - Giám đốc Công an TP Nguyễn Hải Trung. Giọng nói của anh hôm nay không sang sảng như trong những cuộc họp mà tôi dự. Người đứng đầu Công an TP Hà Nội không rời mắt khỏi lối ra vào quán karaoke mà bên trong nhuốm màu tối sẫm. Đôi mắt đỏ hoe, gương mặt anh cứng lại...
Chiến sĩ phòng cháy chữa cháy với đôi mắt rưng rưng tiếc thương đồng đội.
Tối hôm ấy, tôi đón cậu con trai sinh viên năm hai, cũng trạc tuổi Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc từ trường đại học trở về nhà. Kể cho con nghe câu chuyện bạn Phúc đã lao vào đám lửa cứu người mắc kẹt và hy sinh, về gương mặt hiền lành, khắc khổ của bác Quân, nhưng nụ cười thì ấm áp, bừng sáng, dù mỗi khi cười là ngoặc đơn ngoặc kép hiện ra thật nhiều, nhìn rất giống các nhân vật thiện trong truyện tranh, về anh Việt đẹp trai như hotboy, đã từng cứu được một em bé cún đang mang bầu trong đám cháy..., em cún sau đó đã sinh ra một đàn con khỏe mạnh... nhưng tất cả ba người ấy chiều nay đã không thể trở về... Cậu bé của tôi lặng đi hồi lâu, cậu để nguyên bàn tay tôi trong tay cậu suốt quãng đường về, thỉnh thoảng lại bóp nhẹ. Tôi không biết cậu có khóc không, nhưng khi xe vừa dừng lại, cậu mở cửa thật nhanh, bước ra và cố gắng không nhìn mẹ, giọng rất khẽ: "Sống dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng là đã sống thế nào. Họ bất tử mẹ ạ!".
2. Tuổi 19, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc chắc chắn đã từng là "con nhà người ta" đối với nhiều bà mẹ mỗi khi cần mang ai đó ra để làm gương cho con cái mình. Bố mất sớm, 19 tuổi, mẹ và các chị đã coi Phúc như trụ cột trong gia đình. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình mà Phúc trưởng thành, già dặn hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Thương mẹ vất vả nên từ nhỏ, Phúc đã chăm học và học rất giỏi. Môn học tốt nhất của em là tiếng Anh và tiếng Nhật. Đang học dở đại học nhưng Phúc bảo lưu kết quả học tập để đi nghĩa vụ Công an từ tháng 2-2022 chỉ vì... thấy thầy giáo dạy tiếng Anh trong trường còn không tốt, không chuẩn bằng mình. Ba tuổi đã học tiếng Anh, lớp 6 đã học tiếng Nhật và đọc thông viết thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Cũng vì đặc biệt và cá tính mà trong khi các bạn cùng trang lứa tiếp tục giấc mơ chinh phục những con đường đại học, những mong có được một công việc ổn định trong tương lai thì Phúc lại quyết tâm bảo lưu kết quả để đi nghĩa vụ, thực hiện giấc mơ làm lính cứu hỏa của mình.
Các anh sống mãi trong lòng dân.
Phúc đam mê nghề chữa cháy từ nhỏ, bởi người cha của em năm xưa cũng từng là lính PCCC. Sau mỗi ngày làm nhiệm vụ, Phúc còn là gia sư hướng dẫn anh em trong đơn vị học thêm ngoại ngữ. Hình ảnh cậu thanh niên trẻ lúc nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn, dạy ngoại ngữ cho anh em trong đơn vị giờ chỉ còn là hoài niệm xót xa. Tháng 6-2022, Phúc về nhận nhiệm vụ tại Đội PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an quận Cầu Giấy. Thời gian ở đơn vị tuy ngắn ngủi nhưng với Trung tá Trương Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy thì Phúc là người năng nổ, nhiệt tình. Phúc luôn xung phong ở những mũi tiến công đầu tiên vừa để thử thách mình, vừa để thể hiện niềm đam mê từ thuở nhỏ.
Ngày 15-7, Phúc mới đón sinh nhật lần thứ 19 của mình, không thể ngờ rằng, đó cũng là lần cuối. Biết con trai yêu nghề Công an, chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ của Phúc luôn ủng hộ con hết mình, dù mỗi lần nghe tiếng còi báo cháy, nghe tin con đi chữa cháy chị lại thấy trong lòng bất an. Cái ngày định mệnh mà cậu con trai duy nhất theo chân cha mãi mãi rời xa vòng tay chị, chị chỉ biết Phúc vừa tham gia chữa cháy một đám cháy lớn. Đến trưa, cậu nhắn tin cho mẹ thông báo hoàn thành nhiệm vụ và đang nghỉ ngơi. Hai mẹ con đã 3 ngày không gặp nhau nên chủ yếu trao đổi qua tin nhắn, điện thoại. Thế nhưng không ngờ rằng, đó là những tin nhắn cuối cùng chị nhận được từ cậu con trai yêu quý. Ban đầu, chị cứ mong đó là một người khác cũng tên Phúc, nhưng rồi, chị lại tự trách mình vì nếu nghĩ như vậy là ích kỉ, không phải là Phúc của chị thì sẽ là Phúc của một người mẹ khác, và nỗi đau của người mẹ nào mất con cũng đều như nhau. Cuối cùng thì đã không có phép mầu nào xảy ra. Phúc của chị đã đi xa thật rồi.
3. Thượng uý Đỗ Đức Việt sinh ra trong gia đình truyền thống, cha đang là Trưởng Công an xã Hòa Sơn (Ứng Hòa, Hà Nội). Có lẽ vì "con nhà nòi” nên Việt ước mơ và trở thành người chiến sĩ cứu hỏa khi em thi đỗ vào trường Đại học PCCC. Thượng úy Đỗ Hữu Giang, đồng đội thân thiết của Việt ở Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy kể rằng, Việt lúc nào cũng tâm sự rất yêu nghề cứu hỏa. Dù công việc ở đội có nhiều mảng khác nhau, nhưng bằng một cách nào đó, Việt luôn nằng nặc xin được làm nhiệm vụ ở tổ chữa cháy.
Trong mắt của đồng đội, bạn bè và gia đình, Việt là một chàng trai mạnh mẽ nhưng rất giàu tình cảm. Cứ mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà, Việt lại ôm mẹ, thủ thỉ trò chuyện rồi tranh thủ phụ giúp mẹ những công việc trong gia đình. Việt hứa cuối năm nay sẽ cưới vợ và nhất định sẽ ở gần để còn chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Ngồi ngắm thật lâu gương mặt em, tôi chợt nghĩ, gương mặt thánh thiện của một thiên sứ kia, có lẽ đã được giao một nhiệm vụ đặc biệt nào đó, và giờ đây khi đã hoàn thành sứ mệnh, em chào tạm biệt mọi người để trở về thiên đường của mình. Trên Facebook cá nhân của Việt là những hình ảnh thân thương về gia đình, người thân, đồng đội, mà rất nhiều trong đó là những trận chiến đấu với giặc lửa mà em và đồng đội đã trải qua.
Trong rất nhiều những hình ảnh của Việt với bộ quân phục PCCC ám đen khói lửa, có một bức ảnh mà mỗi khi nhìn vào, bất cứ một tâm hồn nào dù là chai sạn đến đâu cũng phải tan chảy, đó là hình ảnh Việt ngồi cạnh, âu yếm chú chó vừa được anh và đồng đội cứu sống trong đám cháy nhà dân. "Chào cậu, nhân vật được tớ đưa ra khỏi vụ cháy ngày hôm nay. Cậu đang mang bầu phải không? Chúc cậu hạ sinh những chú cún thật đáng yêu, khỏe mạnh và cũng dũng cảm như cậu ngày hôm nay nhé". Đọc những dòng tâm sự ấy, đủ thấy trái tim ấm áp, chân thành của một chàng trai nhân hậu. Chỉ có những trái tim yêu thương mới có thể quên mình, bất chấp hy sinh, dũng cảm lao vào biển lửa để cứu sống những sinh linh nhỏ bé như vậy. Khuôn mặt sáng ngời, mái tóc ướt đẫm mồ hôi, quần áo vẫn còn đen thẫm khói bụi sau nhiều giờ đồng hồ chữa cháy mệt nhoài, bàn tay yêu thương vỗ về chú cún đang lo lắng hoảng sợ vừa thoát chết trong gang tấc, chỉ một bức ảnh nhưng hơn ngàn lời chú thích, giờ phút ấy, nhiều người đã gọi em là THIÊN SỨ!
Tháng 6-2018, Việt từng khiến cộng đồng mạng yêu quý với câu chuyện "Anh lính cứu hỏa tập sự gánh rau giúp hai cụ già", kèm theo video gánh rau giúp cụ già. Ngày ấy, Việt đang là sinh viên năm cuối Trường đại học PCCC, đang thực tập tại Phòng Cảnh sát PCCC số 9, Hà Đông, Hà Nội. Việt từng bộc bạch về ước mơ trở thành lính cứu hỏa: "Là con trai, từ bé mình thích xem phim siêu nhân, và nghịch lắm. Siêu nhân lại hay cứu người, từ đó mình có ước mơ. Khi lớn xíu, mình có chứng kiến vài vụ cháy. Mình thấy người dân được cứu ra khỏi đám cháy nhờ lính cứu hỏa. Mình cảm tưởng họ giống siêu nhân vậy nên quyết tâm nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng sẽ trở thành một lính cứu hỏa". Đọc lại những dòng chữ này, mắt tôi nhoè đi. Nỗi đau nào cũng có thể đặt thành tên, nhưng nỗi đau của người mẹ mất con thì chưa ai có thể gọi tên được. Chiều Việt xin phép mẹ đi làm nhiệm vụ và thế là em đi mãi, mâm cơm dở dang em không về ăn với cha mẹ nữa, nơi mẹ đến gặp em lại là nhà tang lễ bệnh viện, để người mẹ phải bàng hoàng thốt lên: "Sao lại vào đây, vào đây làm gì, tôi không vào đâu...". Việt ơi! Thế là thất hứa với cha mẹ rồi nhé. Em hứa cuối năm lấy vợ cơ mà, em hứa sẽ ở gần để chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già cơ mà. Đẹp trai thế mà thất hứa ư?
4. Tôi gọi Thượng tá Đặng Anh Quân là anh Quân "cười". Anh có gương mặt hiền lành, khắc khổ, ngoặc đơn ngoặc kép nhiều không đếm được mỗi khi cười. Gương mặt nhân hậu, tin cậy của kiểu người sống không ác được. Trong hồi ức của Trung tá Trương Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy, Thượng tá Đặng Anh Quân là một người chỉ huy nhiệt tình, hòa đồng, tình cảm với anh em nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Với kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, Đội trưởng Đặng Anh Quân luôn là chỗ dựa tin cậy, là kho kiến thức truyền thụ cho CBCS để anh em trong đơn vị nâng cao hơn kỹ năng PCCC và CNCH. Gắn bó với nhau từ khi ra trường về nhận công tác tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Cầu Giấy, tình cảm giữa anh và anh Quân không chỉ là tình đồng nghiệp mà còn thắm thiết hơn cả tình anh em ruột thịt.
Hoàn cảnh gia đình của người đội trưởng khá khó khăn, nhưng chưa bao giờ mọi người thấy anh than vãn. Với anh, khi đã vào việc là chiến đấu, là làm việc hết mình. Bố mất từ sớm khi anh mới tròn 3 tuổi, Đặng Anh Quân ở cùng với mẹ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh và mẹ sống trong căn nhà nhỏ ở phố Chùa Láng. Cuộc sống quá đỗi khó khăn, mẹ của anh Quân ngoài thời gian chăm cháu, đưa đón cháu đi học, lại mở quán nước chè gần nhà để có đồng ra đồng vào phụ giúp con trai và con dâu.
Nhưng ít ai biết rằng, người đội trưởng gương mẫu, hiền lành ấy cứ buổi trưa không phải trực lại tranh thủ về nhà chỉ 1 tiếng đồng hồ giúp mẹ bán nước chè để bà có thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa. Hàng ngày, mẹ anh mở hàng bán nước từ sáng sớm cho đến tận tối khuya. Nếu trưa không có người trông hàng, bà còn chẳng có thời gian nghỉ ngơi cơm nước. Hơn 1 tiếng phụ mẹ buổi trưa, anh lại vội vã trở lại đơn vị tiếp tục công việc hàng ngày.
5. Trong hơn 20 năm làm báo của mình, tôi đã nhiều lần phải viết về những sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, và phải rất khó khăn mới có thể hoàn thành bài báo, bởi cảm giác bất lực nhiều khi bị đẩy đến đỉnh điểm. Bất lực vì chỉ có con chữ, bất lực vì biết, mọi lời nói, mọi lời ngợi ca giờ đây cũng chỉ là vô nghĩa.
Tôi nhớ mãi một ngày cuối năm 2010, Đại tá Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình gọi cho chúng tôi: "Đau xót quá nhà báo ơi, ba chiến sĩ của chúng tôi hy sinh rồi...". Câm lặng vài giây, mà tôi nghĩ người chỉ huy dày dạn trận mạc ở đầu dây bên kia đang phải cố ghìm nỗi xúc động, ông nói với chúng tôi qua điện thoại mà thỉnh thoảng, những câu từ như nghẹn lại. Tết đang đến thật gần, nhưng hình như một tuần nay, người dân nơi đây không còn thiết tha sắm tết. Hoa ban, hoa đào như ngơ ngác trên vùng trời Tây Bắc, tiếng khèn cũng chẳng còn thiết tha, đường núi xa xăm, thăm thẳm như chưa bao giờ buồn hơn thế. Mai Châu mùa xuân năm đó đã không còn được đón bước chân các anh trở lại... Anh em trong Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, nhiều người còn rất trẻ và chưa có gia đình riêng. Thượng úy Bùi Quốc Đại khi ấy còn dí dỏm thông báo: "Em sắp cưới vợ, các chị nhớ lên nhé". Chẳng kịp nói chuyện riêng nhiều, vì quả thực, mỗi chuyến công tác chúng tôi thường phải tranh thủ tối đa thời gian để làm việc, thế nên cũng chưa kịp hỏi vợ sắp cưới của Đại là ai, làm công việc gì, vậy mà chẳng ngờ lần gặp đó cũng là lần cuối cùng. Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là anh bước sang tuổi 28 và chuẩn bị làm chú rể.
Những em nhỏ xung quanh nhà Đại trên con phố Cù Chính Lan ở TP Hòa Bình ngơ ngác trước thông tin: "Chú Đại hy sinh rồi". Tôi không biết các em có khái niệm về từ "hy sinh" như thế nào, nhưng cứ nhìn những ánh mắt tròn xoe, tiếc thương "chú Đại" - người vẫn thường hay chơi đùa, đá bóng với các em mỗi khi được về thăm nhà, thì hiểu rằng, "chú Đại" thân thiết với các em đến nhường nào. Dòng người đưa tiễn Đại dài kín con đường, những vòng hoa trắng, những giọt nước mắt tiếc thương, như thể họ mất đi chính người thân thiết nhất của mình vậy. Trung tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu, khi ấy khóe mắt ầng ậc kể về người đồng chí, đồng đội - Đại tá Hà Thái Yềm - Phó trưởng Công an huyện Mai Châu và Trung úy Sùng A Trư, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Mai Châu - những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ở Hang Kia với bọn tội phạm ma túy. Tôi rất sợ phải chứng kiến những giọt nước mắt đàn ông, bởi khi ấy tôi hiểu, họ đã đau đến không thể thốt thành lời.
Những giọt nước mắt không tròn chảy dễ dàng như nước mắt người phụ nữ, mà nó nửa như muốn trào ra ngoài, nửa như muốn lặn vào trong. Cách đó 2 tuần, vợ chồng anh Yềm bàn bạc đi mua gỗ để làm quan tài, chuẩn bị hậu sự cho mẹ đẻ của anh, vì bà năm nay đã gần 80 tuổi. Ai ngờ, chiếc quan tài ấy bây giờ lại dành cho anh. Nghe vợ anh Yềm kể chuyện với chúng tôi, mẹ anh đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Bà cụ không thể ngờ, người con trai lại ra đi trước mình.
Chị Hà Thị Thủy, vợ của Trung úy Sùng A Trư ngất lên ngất xuống khi nghe tin dữ, khiến người thân phải đưa chị ra trạm xá của xã Pà Cò truyền nước. Anh chị cưới nhau từ năm 2007 nhưng cưới xong thì chị lại đi học, thế nên lúc nào hai vợ chồng cũng mong ước ngày đón đứa con đầu lòng chào đời. Cả hai đã hứa với nhau, khi nào chị Thủy học xong sẽ sinh con, vậy mà nay chị Thủy học xong thì anh Trư lại ra đi. Nhà bếp của Công an huyện mấy bữa ấy thưa vắng đến thảng thốt. Các chị cấp dưỡng sắp mâm bát lên lại thấy thừa ra mấy cái bát, mấy đôi đũa, nhưng chẳng ai nỡ cất đi. Các chị cứ để thế, để tin rằng, các anh vẫn về ăn cơm với đồng đội mình.
Hình ảnh người cha của Đại úy Phạm Công Huy, sinh năm 1993; cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội, ôm bộ quần áo còn nguyên mùi mồ hôi của con trai (anh Huy hy sinh trong vụ Đồng Tâm), và nhất định không giặt, để được thấy hơi ấm của con trai luôn gần bên, là một hình ảnh xót xa nhức nhối với tất cả những người có lương tri. Sự hy sinh của các anh không vô nghĩa. Cứ nhìn dòng người đưa tiễn các anh kéo dài mấy con phố thì hiểu, các anh chính là những tượng đài vững chãi trong tâm thức mỗi người dân nước Việt, những tượng đài được xây nên bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt, được đánh đổi bằng những hy sinh mất mát của thanh xuân, tuổi trẻ, cho nhân dân có được sự bình yên.
Chiều hôm ấy trời Hà Nội trong xanh, mây trắng cao vời vợi. Tôi chợt ngước nhìn những đám mây trắng trên cao, có khi nào Phúc, Việt, Quân đã hóa thành những vầng mây ấm kia không? Sắp 19-8 rồi các anh. Đoạn đường này tuy không dài nhưng vinh quang và tự hào. Vĩnh biệt đồng đội nhé! Các anh đã mệt rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi thôi!